Về phía huyện Bảo Yên có ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; lãnh đạo một số cơ quan ban, ngành của huyện; đại diện các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng quế, chè; lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn; đại diện các hộ gia đình trồng quế, chè tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Phát biểu tại buổi Hội thảo ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy giới thiệu về Bảo Yên miền đất có hai dòng sông - tâm linh và nghĩa tình. Với lợi thế về đất đai, khí hậu, giao thông thuận lợi tạo điều kiện để Bảo Yên định hướng chiến lược phát triển kinh tế của huyện; đồng thời, xác định cây quế và cây chè là cây trồng chủ lực của huyện Bảo Yên. Đối với cây quế, diện tích lớn nhưng trữ lượng không lớn do do trồng không tuân thủ quy trình; nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng chưa có diện tích nào được chứng nhận sản xuất hữu cơ, sản phẩm vỏ quế vẫn bán dạng thô chưa qua chế tác; thị trường tiêu thụ các sản phẩm quế chủ yếu bán tư thương nên giá thành thấp, sản xuất còn tự phát thiếu liên kết từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, kế hoạch khai thác và bán sản phẩm…Đối với cây Chè năng suất thấp, người trồng chè còn có vùng không tuân thủ quy trình chăm sóc nên có lô hàng bị trả lại do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thu hoạch không theo kế hoạch nên có lô quá sớm hoặc quá lứa. Do hiệu ứng trồng quế nên người dân không chú trọng chăm sóc chè. Trên địa bàn chỉ có một đơn vị bao tiêu sản phẩm và chế biến chè nên có lúc năng lực tài chính hạn hẹp, đôi lúc còn chậm thanh toán, giá thu mua thấp hơn so so với khu vực làm ảnh hưởng tâm lý người nông dân trồng chè…
Bảo Yên hiện có hơn 23.500 ha quế, sản lượng cành, lá khai thác hơn 150.000 tấn/năm, sản lượng vỏ đạt 75.000 tấn/năm; diện tích chè hơn 750 ha, sản lượng đạt trên 2.000 tấn/năm. Quế và chè được xác định là cây trồng chủ lực góp phần ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển cây quế, chè trên địa bàn huyện Bảo Yên đang có những khó khăn, hạn chế. Đối với cây quế, diện tích phát triển lớn nhưng sản lượng và chất lượng vỏ không cao, do trồng không tuân thủ quy trình, kỹ thuật; trồng mật độ dày, khai thác cành, lá sớm; chưa có diện tích quế được chứng nhận hữu cơ hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp tốt khác; trên địa bàn mới có 4 cơ sở chế biến tinh dầu với quy mô nhỏ, chiết xuất dạng thô; sản phẩm vỏ quế chủ yếu bán dạng thô, gỗ quế chưa có sản phẩm sau chế biến; thị trường tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào tư thương nên giá bán thấp…
Đối với cây chè, hiện nay năng suất chè của huyện Bảo Yên chỉ đạt 30 - 35 tạ/ha, bằng 50% năng suất chè bình quân của tỉnh; người trồng chè chưa tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ nên ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm; trên địa bàn chỉ có một đơn vị sản xuất, bao tiêu sản phẩm nên chưa tạo sự cạnh tranh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định…Để phát triển bền vững cây quế, chè, huyện Bảo Yên đã và đang có những chính sách khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế, sản phẩm từ vỏ quế; xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ, sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng chè; tuyên truyền, vận động người dân sản xuất chè tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường cao như EU, Mỹ... Phấn đấu tạo thu nhập cho người trồng chè trung bình đạt từ 150 - 200 triệu đồng /ha.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, bàn giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng suất, chất lượng và xuất khẩu sản phẩm quế, chè của Bảo Yên. Một số vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận như: Các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sản phẩm quế, chè sang thị trường các nước châu Âu, thị trường EU, Mỹ; chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng quế, chè tại Lào Cai; quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ; chính sách thu hút doanh nghiệp, đơn vị chế biến sâu sản phẩm quế, chè; các giải pháp để tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quế, chè trong thời gian tới...
Phát biểu kết luận Hội thảo ông Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện cảm ơn các đại biểu đã phát biểu, chia sẻ, bàn giải pháp để giúp huyện Bảo Yên tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển, sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; gắn sản xuất quế, theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có các định hướng phát triển cây chè, đặc biệt là khâu chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm chè. Tuyên truyền, vận động, có các khuyến cáo trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để cải tạo, thâm canh các nương chè; Mở rộng diện tích, đưa các giống chè mới để cây chè trở thành hàng hóa và là cây làm giàu cho người dân.
Tác giả bài viết: Hoàng Huy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn