Hiện nay trên địa bàn xã Cam Cọn có trên 1.926 ha quế, trong đó có 1.430 ha đang trong độ tuổi khai thác và có những diện tích có cây trên 30 năm tuổi. Để liên kiết sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trồng quế, anh Lý Văn Cầu ở thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn và một số hộ dân có cùng ý tưởng đã cùng nhau góp vốn để thành lập hợp tác xã với ngành nghề chính là thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ vỏ quế tại địa phương. Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 3/2022. Hợp tác xã đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư 5 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng, máy móc phục vụ sản xuất: đầu tư nâng cấp 600m2 nhà xưởng, 01 hệ thống nhà phơi trên 1000m2, đầu tư 03 máy bào vỏ quế, 4 máy cắt sáo, 01 lò sấy nhiệt, 01 máy chẻ, 01 máy ép hộp tự động.
Đến nay hợp tác xã đã thu mua và sản xuất được trên 150 tấn vỏ quế, để phục vụ xuất khẩu các sản phẩm: Quế sáo, quế chẻ, quế vụn sạch… Đồng thời, hợp tác xã cũng đã kết nối và cung cấp được 90 tấn nguyên liệu cho một số công ty xuất nhập khẩu ở Yên Bái, Hà Nội và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Mỹ, Nhật, Ấn Độ khoản 60 tấn sản phẩm. Nhờ đó sản phẩm từ vỏ quế tại địa phương có thị trường, giá cả tương đối ổn định. Anh Lý Văn Cầu – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây, thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Để đáp ứng được nhu cầu thị trường như Mỹ, Ấn độ rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, nên Hợp tác xã đã tham khảo các thị trường và đầu tư hệ thống máy móc để sản xuất ra sản phẩm quế đảm bảo chất lượng, đóng gói và ký hợp đồng xuất khẩu được”.
Chỉ sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động, trừ các chi phí hoạt động, ước tính hàng tháng cho hợp tác xã thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Cùng với đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thoa – Thôn Tân Tiến, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết: “Từ ngày làm ở Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Cầu Mây, nói chung là cuộc sống ổn định, việc làm đều và ngày công thỏa đáng, bình quân thu nhập được hàng 7 triệu đồng/tháng”. Cùng với tạo việc làm cho lao động địa phương, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây cũng liên kết giữa các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu, thu mua giá cả ổn định sản phẩm vỏ quế cho người dân ở địa phương, tăng thu nhập cho người dân trồng quế. Chị Lý Thị Thủy – Thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết thêm: “Từ khi có Hợp tác xã Cầu Mây, quế của bà con trong thôn bóc ra được thu mua luôn và ổn định, bà con yên tâm không phải lo đầu ra sản phẩm quế nữa”. Thời gian tới, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây tiếp tục nghiên cứu, củng cố hoạt động sản xuất, cải thiện bộ máy quản lý hợp tác xã, vận động và kết nạp thêm các thành viên mới. Tận dụng các chính sách ưu đãi vay vốn đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, máy móc, quy mô sản xuất. Đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất để tận dụng nguyên liệu từ thân cây quế sau khi khai thác phần vỏ thương phẩm để sản xuất đũa quế. Tập trung triển khai áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển diện tích quế hữu cơ, không sử dụng các chế phẩm hóa học để tạo ra các sản phẩm quế sạch, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường phục vụ cho xuất khẩu; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trồng quế, đồng thời phát triển kinh tế rừng một cách hiệu quả và bền vững.
Tác giả bài viết: Trọng Điểm - Hoàng Huy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn