Tham dự hội nghị, tại điểm cầu Huyện Bảo Yên có đồng chí Nguyễn Anh Chuyên - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Trưởng, Phó các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện. Tại điểm cầu các xã, thị trấn có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Uỷ ban MTTQ VN, Trưởng, Phó các tổ chức đoàn thể và cán bộ công chức có liên quan.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về CCHC trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025; đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh Lào Cai năm 2023. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 về CCHC trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025; UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 26/5/2021 về việc đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trên cơ sở đó các sở, ban, ngành đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 193 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính. Vì vậy, công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới và hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương. Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, 100% TTHC công bố được cập nhật, niêm yết, công khai theo quy định. Hiện nay, Lào Cai có 27 cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, gồm: 19 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh Lào Cai, 1 đơn vị Bộ phận Một cửa UBND thành phố Lào Cai, 3 đơn vị ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn và 2 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công. Theo đó, TTHC được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 70,62%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 76,75%. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai TTHC đạt 100%; số hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 98,73%. Kết quả thực hiện Đề án từ đầu năm 2021 đến nay, thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết là 175.790 nghìn lượt hồ sơ và tiết kiệm được trên 700 tỷ đồng. Người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC trong tất cả các lĩnh vực, đạt 99,4%. Về cải cách chế độ công vụ, từ khi triển khai thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU đến nay, đã có tổng số 96 cán bộ lãnh đạo, quản lý được xem xét sắp xếp, điều động, luân chuyển; cụ thể: năm 2021 là 34 người; năm 2022 là 38 người; năm 2023 là 24 người. Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, toàn tỉnh đã triển khai 1.562 tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.562 thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh (đạt tỷ lệ 100%). Theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai công tác cải cách TTHC của cơ quan, đơn vị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh Lào Cai có chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) thuộc nhóm thấp trong các tỉnh, thành phố của cả nước (năm 2021 đứng thứ 49/63, năm 2022 đứng thứ 52/63). Kết quả trên phản ánh hiệu quả thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; số lượng hồ sơ giải quyết TTHC chậm muộn còn nhiều, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên đó là: Ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và thái độ phục vụ Nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; có đơn vị, địa phương còn lơ là, chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, công chức; hiện nay, phần mềm dịch vụ công của tỉnh còn phát sinh nhiều lỗi ảnh hưởng đến quá trình giải quyết hồ sơ TTHC cho công dân; nhiều phần mềm chuyên ngành chưa tích hợp liên thông với cổng dịch vụ công dẫn đến khó khăn, mất thời gian trong giải quyết TTHC. Cùng với đó, tình trạng thiếu nhân lực về CNTT, nhất là chuyên gia về chuyển đổi số địa bàn tỉnh; một số đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách, phụ trách CNTT, an toàn thông tin mạng. Một số phần mềm dùng chung, chuyên ngành còn chưa đồng bộ, tích hợp, việc nâng cấp còn chậm chưa đáp ứng đủ các chức năng theo quy định dẫn đến khó khăn cho công tác triển khai, ứng dụng, như: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tỉnh Lào Cai, Cổng dịch vụ công của tỉnh...
Theo báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, qua rà soát, UBND tỉnh đã thực hiện cắt giảm đối với 951/1.929 TTHC (đạt 49,3%); trong đó có khoảng 17.000 lượt hồ sơ được thực hiện cắt giảm thời gian, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp được khoảng 18 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; tỉnh đã thực hiện việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 12 sở, ban, ngành, chi cục; sáp nhập, giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với Huyện Bảo Yên Công tác cải cách hành chính của huyện so sánh các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết số 01-NQ/HU của Huyện uỷ đều đạt và vượt các chỉ tiêu của đề án đề ra. Trong 03 năm liên tiếp, huyện Bảo Yên đứng trong top 3 về chỉ số CCHC (năm 2020 xếp thứ nhất, năm 2021 xếp thứ 3, năm 2022 xếp thứ 1/9 huyện, thị xã, thành phố); 3 năm liên tục xếp thứ nhất về mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước; đứng trong top 3 về đánh giá mức độ hài lòng của người dân; 02 năm liên tiếp có điểm số đánh giá CCHC trên 90 điểm. Phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và Hồ sơ công việc được duy trì, triển khai thực hiện đến 100% phòng ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp; 17/17 xã, thị trấn. Từ 10/12/2020 đến 06/6/2023: Hệ thống Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc của UBND huyện Bảo Yên tiếp nhận: Tổng số văn bản đến: 584.901 văn bản, trong đó văn bản đến đã chuyển thực hiện 582.619 văn bản; văn bản đến chờ duyệt 2.282 văn bản. Tổng số văn bản đi 98.065 văn bản, trong đó tổng số văn bản được tạo từ hồ sơ công việc là 93.555 văn bản, số văn bản đi được ký số là 92.992 văn bản. Tỷ lệ ký số đạt 98%. Cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC so với quy định đối với 283/454 TTHC (đạt 62,3%) đã tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp nghiệp khi thực hiện TTHC. Từ năm 2021 đến nay đã có 10.659 lượt hồ sơ thực hiện cắt giảm, tiết kiệm trên 8.787 triệu đồng. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự vào cuộc, điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của các địa phương, đơn vị trong CCHC. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong cải cách hành chính, như tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện kết nối phần mềm chưa đồng bộ, chưa thống nhất gây khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CCHC và chuyển đổi số; tăng cường xây dựng các mô hình đột phá trong CCHC. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch UBND tỉnh đã ban hành về triển khai công tác CCHC.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công và cải cách hành chính của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các thành viên Ban chỉ đạo tập trung rà soát các nhiệm vụ để tìm giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính; chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả phục vụ của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến xã; tập trung hơn nữa cho cấp cơ sở, gắn trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra về CCHC của cấp ủy đảng, người đứng đầu UBND cấp huyện và UBND cấp xã; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính với tiêu chí 5 không (không nhũng nhiễu, không để chậm muộn, không gây chồng chéo, không ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho đầu tư và phát triển của tỉnh, không đùn đẩy né tránh khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp) và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Tác giả bài viết: Hoàng Huy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn