Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên

Rộn ràng Lễ hội Xuống đồng bản Điện, xã Điện Quan năm 2024

Thứ năm - 22/02/2024 03:07
Ngày 22/02, tại bản Điện, UBND xã Điện Quan tổ chức Lễ hội xuống đồng bản Điện năm 2024. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, các gia đình động viên nhau phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xã Điện Quan. Dự lễ hội có lãnh đạo Sở Văn hóa tỉnh Lào Cai; Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; Cấp ủy, chính quyền xã Điện Quan, cùng đông đảo người dân và du khách.

 

anh tin bai

Các tiết mục văn nghệ của đồng bào Tày trong lễ hội xuống đồng.

Lễ hội Xuống đồng bản Điện, xã Điện Quan được tổ chức hằng năm vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng tại cánh đồng bản Điện – vựa lúa của xã Điện Quan. Theo các cụ cao niên kể lại, đồng bào Tày ở thôn Điện có nguồn gốc từ thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Hơn 100 năm trước, sau khi di chuyển về xã Điện Quan, để tưởng nhớ cội nguồn, hằng năm vào dịp tháng Giêng, bà con đều ngược sông Chảy về Bảo Nhai đi lễ đền Trung Đô, tham gia lễ hội xuống đồng. Về sau do đường xá xa xôi, các cụ đã xin một nén hương từ đền Trung Đô rước về thôn Điện để lập đình làng Điện, làm nơi thờ cúng thần linh, sơn thần, thổ địa. Lễ hội xuống đồng bản Điện được truyền từ đời này sang đời khác, là một phong tục tập quán, một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày nói riêng và của bà con nhân dân xã Điện Quan nói chung.

Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Việc chuẩn bị cho lễ hội chủ yếu là của đàn ông, trước ngày lễ hội diễn ra thanh niên trong bản cùng với những người có chức sắc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho lễ hội như: chuẩn bị cột còn; chuẩn bị cây để bắc lán nơi cúng chính. Lễ hội thường có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với phần cúng của thầy cúng tại lán chính, khi cúng xong ở lán chính, thầy cúng sẽ mời các vị đại biểu vào thắp hương tại lán chính (điều kiêng kỵ của lán chính: là phụ nữ không được vào lán chính, nếu muốn thắp hương chỉ nhờ người đàn ông thắp hộ). Sau khi thắp hương xong sẽ đánh trống khai hội, thầy cúng sẽ cúng để nâng cột còn lên, khi nâng cột còn xong, thầy cúng sẽ chia còn cho một số đại biểu và già làng chức sắc trong thôn bản để ném trước.

anh tin bai

Mâm lễ của các dòng họ tại bản Điện

Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng của thôn, mỗi dòng họ chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng, họ nào mà đông thì có thể chuẩn bị 2 đến 3 mâm cỗ dâng lên các vị thần linh. Những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sinh sôi nảy nở, mọi điều an lành đều được người dân gửi gắm vào mỗi mâm lễ của dòng họ mình mình dâng lên các vị thần.

anh tin bai

Chia quả còn cho các đại biểu

anh tin bai

Múa dậm thuông xung quanh cây nêu

anh tin bai

Hội thi cày bản Điện

anh tin bai

Du khách tham gia trò chơi đi cầu thăng bằng

Phần lễ kết thúc, mở đầu phần hội là hội tung còn. Đây là hoạt động đông vui nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn, là âm dương đã giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu và ai ném trúng hồng tâm đầu tiên sẽ được trao giải thưởng, được coi là điềm may mắn trong cả năm, được thần linh phù hộ. Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn, xuyên thủng hồng tâm thì dân bản không vui, vì theo quan niệm đó là điềm báo một năm mới không thuận lợi, đây là nét đặc sắc mà chỉ dân tộc Tày mới có. Thông qua hoạt động tung còn là dịp nam, nữ thanh niên trao gửi tâm ý với nhau, nhiều đôi trai làng, gái bản đã nên duyên vợ chồng từ những dịp tung còn trong ngày hội xuân.

Sau phần lễ là phần hội với các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới. Đặc biệt, các điệu múa truyền thống dân tộc Tày, như: dậm thuông, múa chuông, múa khăn, múa quạt… mang đậm đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân được tái hiện tại lễ hội. Phần thi cày ruộng là hoạt động thu hút sự chú ý nhất, sau hiệu lệnh của trọng tài, các thợ cày điều khiển máy cày lao nhanh về đích, trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của người dân trong thôn, bản mình và du khách đến tham dự Hội xuống đồng.

Anh Lý Đình Khải, Bản Điện, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên vui mừng nói: “bản thân anh cũng như tất cả mọi người đến lễ hội với tâm trạng rất vui tươi, phấn khởi, náo nức và có rất nhiều hy vọng, hy vọng một năm mới an khang thịnh vượng, một năm mới đầy đủ ấm no, hạnh phúc, nhiều sức khỏe và mọi nhà được bình an”.

Cùng với đó, người dân và du khách còn được tham gia các môn thể thao dân tộc truyền thống như: thi ném còn, kéo co, bịt mặt bắt vịt, đi cầu thăng bằng… Qua đó đã tạo sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa cho người dân dịp đầu xuân, năm mới, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.

Lễ hội Xuống đồng bản Điện là một trong những nét văn hoá độc đáo của các dân tộc ở xã Điện Quan. Đồng thời, lễ hội là dịp để người dân hội tụ giao lưu văn hoá, tăng thêm sự đoàn kết, ôn lại truyền thống của quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào truyền thống dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, dân tộc phát triển, tạo nên đời sống văn hoá tinh thần vui tươi, lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã năm 2024.

Tác giả bài viết: Trọng Điểm

 Từ khóa: Xã Điện Quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây