Trong thời gian 5 ngày, trên 50 Nghệ nhân, Câu lạc bộ và Đội văn nghệ của các dân tộc Mông tại xã Xuân Hòa, dân tộc Dao Tuyển xã Phúc Khánh và dân tộc Tày xã Vĩnh Yên được các giảng viên Trung tâm đào tạo và biểu diễn nghệ thuật tỉnh và trường Cao Đẳng Lào Cai truyền đạt các nội dung: về trao đổi các hoạt động thực hành, vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy của các làn điệu dân ca dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông, Dao, Tày gắn với hoạt động phát triển du lịch và nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Tổ chức truyền dạy và hướng dẫn thực hành về: diễn xướng dân gian trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc. Cách thức tổ chức biểu diễn phục vụ khách du lịch, phục vụ văn hóa cộng đồng và bảo tồn dân ca dân vũ của các dân tộc. Mỗi Câu lạc bộ, Đội văn nghệ tổ chức sưu tập, lựa chọn mỗi xã 05 tiết mục biểu diễn truyền thống, tiết mục múa dân gian để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội. Kỹ năng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động của đội văn nghệ cơ sở, cách thức xây dựng chương trình biểu diễn, lựa chọn chủ đề biểu diễn…Nhạc sỹ Đỗ Xuân Quỳnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và biểu diễn nghệ thuật tỉnh Lào Cai cho biết. “Chúng tôi rất mừng khi bà con vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là các điệu dân ca cũng như các điệu múa truyền thống. Chúng tôi đến giúp bà con sưu tầm, lựa chọn những đoạn hay nhất bố cục lại sao cho phù hợp và sinh động hơn để sân khấu hóa, nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc của dân tộc. Rất mừng khi Bảo Yên có những đội văn nghệ độ tuổi rất phong phú, có những em tuổi còn trẻ nhưng năng khiếu rất tốt, đây là nhân tố kế thừa rất quan trọng để truyền dậy cho các thế hệ sau.”
Bà Hứa Thị Nhiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết. “xã Phúc Khánh Quyết định thành lập đội văn nghệ dân tộc Dao Tuyển trên địa bàn xã để phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện và Trung tâm đào tạo và biểu diễn nghệ thuật tỉnh để truyền dậy với mục đích phát huy giá trị và khai thác truyền thống đặc biệt nhất của dân tộc Dao Tuyển như: Trang phục, câu hát đối, những nét văn hóa trong đời sống cũng như lao động, sản xuất để đưa vào tiết mục văn nghệ, dàn dựng, luyện tập từ đó phát huy, duy trì đội văn nghệ tham gia các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của đại phương; đồng thời, để các thế hệ con cháu đồng bào người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Phúc Khánh.” Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên Câu lạc bộ, đội văn nghệ các xã được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội văn nghệ tại địa phương. Mỗi diễn viên, nghệ nhân sau khi học và thực hành sẽ là những hạt nhân văn hóa trong công tác truyền dạy các giá trị văn hóa dân tộc mình góp phần mang những làn điệu dân ca dân vũ của dân tộc mình lan toả khẳng định sức sống theo thời gian.
Chị Đặng Thị Hòa, đội văn nghệ thôn Tổng Vương, xã Phúc Khánh nói: “Được các thầy cô giáo về giảng dạy thêm và chỉnh sửa những chi tiết các bài múa, bài hát, giúp chúng em hiểu biết thêm và giữ gìn, lưu truyền những phong tục văn hóa tốt đẹp cho người Dao tuyển; chúng em rất phấn khởi.” Đây là hoạt động văn hóa nhằm bảo lưu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá phi vật thể, đưa các loại hình dân ca dân vũ, dân nhạc ngày càng phát triển trong đời sống cộng đồng. Góp phần nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hoá tinh thần trong Nhân dân. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở gắn với các sản phẩm đặc sắc phục vụ du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tác giả bài viết: Hoàng Huy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn