Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên

Hội thảo bàn về kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Thứ năm - 09/12/2021 22:28
THBY - Ngày 9/12, Ban chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên tổ chức hội thảo bàn về kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Việt Hà- Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì buổi hội thảo. ​​​​Tham dự buổi hội thảo có đồng chí Đỗ Văn Duy- Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; đồng chí Vương Tiến Sỹ- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai; Đại diện Sở công thương; Lãnh đạo các phòng, đơn vị huyện; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài huyện.
Hội thảo bàn về kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

 

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bảo Yên đã thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy Lào cai về Chiến lược phát triển Nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn huyện Bảo Yên.

Sau 5 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bảo Yên đã dần hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và vùng sản xuất đặc trưng của địa phương, như mô hình cây hồng không hạt: 320ha tại các xã: Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn, Minh Tân; vùng trồng chuối ngự trên 100ha tại xã Cam Cọn; vùng trồng dâu tằm, chè chất lượng cao; trồng quế trên 22.000ha tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện,… Đến cuối năm 2021, huyện Bảo Yên có 24 hợp tác xã, 44 gia trại, trang trại có liên kết với các doanh nghiệp và hộ dân, đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt, HTX Duy Phong, HTX Hoàng Hà liên kết với người dân trồng dâu nuôi tằm; HTX Hòa Hợp Nhất liên kết trồng hồng không hạt tại xã Bảo Hà, HTX Nông nghiệp Hòa Tân liên kết trồng thanh long ruột đỏ tại xã Minh Tân,... Nhờ đó, công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP của huyện đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Bắt đầu triển khai thực hiện chương trình từ cuối năm 2018, đến nay huyện đã có 21 sản phẩm đã được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; chuyển từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng. Tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực. Đến năm 2030, hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch và bảo vệ môi trường. Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đồng chí Đỗ Văn Duy- Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp còn chưa được quan tâm phát triển tương xứng với tiềm năng của huyện; Một số mô hình liên kết sản xuất đã triển khai nhưng chưa có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý giữa hai bên nên khi xảy ra rủi ro ngoài ý muốn, quyền lợi của các bên bị ảnh hưởng dẫn đến sự đứt gãy trong chuỗi liên kết. Do vậy, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của địa phương chưa chiếm lĩnh được các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu; Một số sản phẩm nông nghiệp bản địa có chất lượng tốt nhưng chưa mở rộng được quy mô sản xuất cũng như xây dựng thương hiệu nên chưa thể phát triển thành hàng hóa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, phân tích làm rõ ,ột số vấn đề: Xác định quan điểm phát triển nông nghiệp đối với huyện về phát triển kinh tế- xã hội của huyện, điểm mạnh và điểm yếu một số nông sản chủ lực của huyện, xác định bối cảnh phát triển ngành nông nghiệp của huyện trong tương lai, bao gồm bối cảnh trong và ngoài nước; Phân tích khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực như: Năng lực sản xuất, tổ chức sản xuất, chuối cung ứng, các điểm nghẽn của chuỗi cung ứng,…

Phát biểu kết luận buổi hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Duy- Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những những ý kiến, tham vấn của các đại biểu tham dự hội thảo. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Bảo Yên tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Để kế hoạch triển khai đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế  và tiềm năng phát triển trong thời gian tới của Bảo Yên đồng chí nhấn mạnh: Cần phát triển các sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi liên kết, có chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hàng hóa trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Việt Hà- Phó chủ tịch UBND huyện thay mặt các đồng chí lãnh đạo huyện cảm ơn các ý kiến thảo luận, tham vấn của các đại biểu tham dự hội thảo

Thông qua buổi hội thảo nhằm đánh giá chung về tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện, thảo luận, tham vấn ý kiến của các đại biểu về nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch định hướng phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của huyện Bảo Yên. 

Tác giả bài viết: Bích Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây