Cây quế được ví như “cây vàng” trên núi, 1 trong 4 vị thuốc quý “tứ bảo đông y”: Sâm, nhung, quế, phụ. Mặc dù đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân, nhưng hiện việc trồng quế ở huyện Bảo Yên vẫn theo kinh nghiệm truyền thống, chế biến các sản phẩm từ cây quế còn hạn chế.
Phát triển quế hữu cơ
Với việc hướng tới xuất khẩu, các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm từ cây quế nói riêng sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của nông sản từ các tỉnh, các nước trong khu vực và trên thế giới, bởi vậy một trong những hướng đi tất yếu đối với cây quế Bảo Yên là đầu tư vào sản xuất theo hướng hữu cơ, lấy chất lượng để cạnh tranh. Việc đi sau các địa phương khác giúp Bảo Yên có thể đi tắt, đón đầu công nghệ cũng như vận dụng kinh nghiệm của các địa phương khác trong nâng cao giá trị từ cây quế.
Cành, lá quế được thu mua tại nhà máy chế biến tinh dầu. |
Như huyện Văn Yên (Yên Bái) có hơn 40.000 ha quế. Đây là huyện có diện tích quế lớn nhất nước, hằng năm người dân Văn Yên khai thác gần 10.000 tấn quế vỏ, 300 tấn tinh dầu, 65.000 m3 gỗ và tổng giá trị thu nhập khoảng 600 tỷ đồng. Từ vài chục năm nay, cây quế Văn Yên đã nổi tiếng thế giới, tháng1/2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Mới đây, Vương quốc Thái Lan đã quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên tại Thái Lan. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, một quốc gia khác bảo hộ sản phẩm của Việt Nam trên đất nước họ. Điều đó khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ.
Những cách làm chủ động, sáng tạo từ địa phương lân cận có điều kiện tự nhiên, xã hội tương đồng có thể xem là gợi ý cho vùng quế huyện Bảo Yên. Hoặc như tại Nậm Đét (Bắc Hà) là xã duy nhất của tỉnh có hơn 1.323 ha quế của 334 hộ được cấp chứng chỉ quế hữu cơ quốc tế, chiếm 70,8% tổng diện tích quế trên địa bàn xã. Người dân nơi đây đã tạo ra 12 loại sản phẩm quế chất lượng cao, với các mặt hàng chủ lực như quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm, tinh dầu quế… Các sản phẩm quế của Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét đang có sức cạnh tranh và giá bán ổn định, được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Việc được cấp chứng nhận quế hữu cơ quốc tế đã góp phần nâng cao giá trị từ cây quế, hình thành vùng sản xuất chuyên canh gắn với chuỗi giá trị của ngành hàng quế tại địa phương.
Với diện tích quế phát triển đã gần đạt ngưỡng cho phép, thời gian qua, huyện Bảo Yên đang tập trung quy hoạch vùng quế bền vững. Mô hình sản xuất hữu cơ tăng giá trị cây quế cũng đang được thí điểm ở đồi quế của một số hộ thuộc xã Vĩnh Yên và xã Xuân Hòa.
Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Hiệu quả từ sản xuất quế hữu cơ đã được khẳng định, đơn vị đang tích cực tuyên truyền, vận động một số hộ thực hiện, sau đó sẽ nhân rộng.
Ông Hoàng Văn Toàn, thôn Khuổi Vèng, xã Vĩnh Yên hiện có 5 ha quế nằm trong vùng quy hoạch dự kiến phát triển diện tích quế hữu cơ đầu tiên. Ông Toàn cho biết: Nghe cán bộ kiểm lâm nói về sản xuất hữu cơ, tôi rất muốn tham gia, vì nếu làm được không chỉ nâng giá trị cây quế lên mà còn góp phần bảo đảm sức khỏe do trong sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại.
Cùng với định hướng sản xuất hữu cơ, huyện Bảo Yên cũng từng bước xây dựng vườn giống gốc để chủ động nguồn giống chất lượng, đồng thời nghiên cứu các giải pháp canh tác để phòng, trừ sâu bệnh hại quế.
Thu hút doanh nghiệp, chế biến đa dạng sản phẩm quế
Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng những ngày này, 2 nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty Xuất - nhập khẩu Sơn Hải đặt tại xã Tân Dương và xã Vĩnh Yên vẫn hoạt động hết công suất. Năm 2021, giá thu mua tăng, người dân càng phấn khởi, những chuyến xe chở cành, lá quế từ các xã lân cận đổ về chất đầy kho nhà máy. Trong câu chuyện từ những người nông dân, thấp thoáng nhắc đến sự hiện diện của nhà máy quế đã thúc đẩy phong trào trồng quế tại Bảo Yên.
Đến nay, tại huyện Bảo Yên đã có 3 nhà máy chế biến tinh dầu quế quy mô lớn, trong đó có 2 nhà máy của Công ty Xuất - nhập khẩu Sơn Hải và 1 nhà máy của Công ty TNHH Một thành viên Triều Dương đặt tại Cụm tiểu thủ công nghiệp thị trấn Phố Ràng. Ngoài ra, còn có một số cơ sở chế biến, chiết xuất tinh dầu quế quy mô nhỏ tại các xã, thị trấn. Ông Bùi Ngọc San, Giám đốc Công ty Xuất - nhập khẩu Sơn Hải cho biết: Trước đây, nhà máy chỉ hoạt động theo vụ thu hoạch, nhưng nay đã có thể hoạt động quanh năm nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào.
Mặc dù đã góp phần thúc đẩy nông dân phát triển cây quế trên địa bàn huyện Bảo Yên nhưng nhìn chung, các cơ sở chế biến tinh dầu quế chủ yếu tập trung chế biến cành, lá và xuất khẩu ở dạng thô, trong khi sản phẩm giá trị nhất của cây quế là vỏ thì hoàn toàn phải tiêu thụ ở nơi khác, nông dân chưa được hưởng hết giá trị kinh tế mà cây quế mang lại.
Đồng chí Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Yên cho biết: Đây cũng là điều mà cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bảo Yên trăn trở nhiều năm. Bởi vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, một trong những ưu tiên của huyện là thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến sản phẩm nông - lâm nghiệp. Những chuyến đi con thoi của các đồng chí lãnh đạo huyện đã từng bước kết nối được với Tập đoàn Gia Nguyễn - một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong chế biến quế và đã có thị trường xuất khẩu tương đối bền vững. Trước mắt, đơn vị này đã lên phương án đầu tư nhà máy chế biến tại Cụm tiểu thủ công nghiệp thị trấn Phố Ràng để chế biến ít nhất 5 sản phẩm từ quế. Nguyên liệu đầu vào của nhà máy sẽ là sản phẩm của các nhà máy chế biến tinh dầu hiện có trên địa bàn, từ đó tạo chuỗi sản xuất liên hoàn ngay tại địa phương.
Song song với thu hút các doanh nghiệp lớn, các mô hình sản xuất, chế biến quy mô vừa và nhỏ cũng được khuyến khích phát triển. Như tại xã Cam Cọn, người dân bắt đầu sơ chế vỏ quế thanh thay vì thu hoạch bán thô như trước đây. Anh Lý Văn Cầu, thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn cho biết: Qua sơ chế, giá trị tăng gần gấp đôi, quế nguyên vỏ chỉ có giá 65.000 đồng/kg nhưng qua sơ chế có thể bán được 110.000 đồng/kg. Hiện anh Cầu mới sản xuất quy mô hộ gia đình, tới đây, địa phương đang có hướng hỗ trợ để anh nâng quy mô sản xuất, tiến tới thành lập hợp tác xã.
Nguồn tin: https://baolaocai.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chúng tôi trên mạng xã hội