Nghị quyết về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định cây quế là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Như vậy, huyện Bảo Yên cũng nằm trong định hướng chung đó. Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Bảo Yên mặc dù đã đưa quế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, nhưng với sự phát triển quá nhanh về diện tích trong thời gian ngắn có phải là phát triển “nóng” không, thưa ông?
Ông Vũ Hồng Điệp: Theo số liệu theo dõi của ngành, đến hết năm 2020, huyện Bảo Yên có khoảng 22.000 ha quế, chiếm hơn 50% diện tích quế toàn tỉnh (40.200 ha) và tăng 16.452 ha so với năm 2015 (4.848 ha).
Theo Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cây quế được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh cần tập trung phát triển. Theo đó, diện tích quế của tỉnh sẽ đạt 52.000 ha vào năm 2025 và 66.000 ha vào năm 2030. Còn đối với huyện Bảo Yên, diện tích quế khoảng 26.000 ha vào năm 2025 và đạt 30.000 ha vào năm 2030.
Qua số liệu trên cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, diện tích cây quế của huyện Bảo Yên bình quân mỗi năm tăng gần 3.300 ha, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 10 đến năm 2025 và 2030 thì vẫn cần tiếp tục phát triển diện tích quế. Nên có thể nói rằng cây quế tại huyện Bảo Yên phát triển nhanh chứ chưa phải là nóng.
Phóng viên: Việc phát triển nhanh về diện tích trong thời gian ngắn đặt ra một số vấn đề như áp lực về kỹ thuật trồng không đảm bảo, sâu, bệnh hại, thậm chí lạm dụng chất diệt cỏ trong giai đoạn làm đất, ông nhìn nhận và đánh giá vấn đề này thế nào?
Ông Vũ Hồng Điệp: Như chúng ta đã phân tích ở trên, với việc diện tích quế phát triển nhanh đúng là có đặt ra một số vấn đề đối với công tác quản lý của ngành. Những vấn đề này chúng tôi đã lường trước và đang tổ chức quản lý, chỉ đạo để phù hợp với yêu cầu phát triển.
Nhằm đảm bảo nguồn cung giống quế chất lượng, ngành đã tổ chức đánh giá chất lượng giống, xây dựng rừng giống quế và quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định. Với diện tích rừng giống quế của tỉnh được cấp chứng nhận là 70 ha, có năng lực sản xuất khoảng 84 tấn hạt giống/năm, đủ để sản xuất 120 triệu cây giống, thừa khả năng đáp ứng cho nhu cầu cây giống của tỉnh (khoảng 50 triệu cây giống/năm) và cung ứng cho một số tỉnh lân cận. Như vậy, giống quế được đưa vào trồng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cây giống được sản xuất tại các vườn ươm đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch thực hiện theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và điều kiện thực tế tại địa phương.
Đối với kỹ thuật canh tác quế, đây cũng là vấn đề ngành rất quan tâm để phát triển vùng nguyên liệu chất lượng, với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30% diện tích quế được cấp chứng chỉ hữu cơ, đến năm 2050 đạt 50% diện tích.
Để đạt được mục tiêu này, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác khuyến lâm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác quế bền vững; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ. Đồng thời, kêu gọi, huy động các nguồn lực khác (các dự án NGO, ODA…) hỗ trợ xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chứng chỉ hữu cơ cho diện tích quế của tỉnh.
Phóng viên: Xin ông cho biết, để phát triển bền vững cây quế trong toàn tỉnh nói chung và Bảo Yên nói riêng, ngành lâm nghiệp Lào Cai đã có những định hướng và giải pháp cụ thể nào hỗ trợ các địa phương?
Ông Vũ Hồng Điệp: Về định hướng phát triển, sẽ hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông - lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Phát triển quế tập trung trên địa bàn các huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát. Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục mở rộng thêm 12.000 ha quế, nâng tổng diện tích trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.000 ha; giai đoạn 2026 - 2030, mở rộng thêm 13.500 ha, tổng diện tích đạt 66.000 ha; đến năm 2050 đạt 68.000 ha.
Các giải pháp kỹ thuật: Nghiên cứu, áp dụng khoa học - công nghệ từ khâu sản xuất giống tới khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hữu cơ; đến năm 2050, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).
Về chế biến, tiêu thụ sản phẩm: Giai đoạn 2021 - 2025, duy trì hoạt động của các cơ sở chế biến hiện có; tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở chiết xuất tinh dầu quế; có 1 nhà máy chế biến sâu tinh dầu quế với công suất trên 500 tấn tinh dầu/năm; có 2 nhà máy chế biến sâu vỏ quế, công suất trên 10.000 tấn/năm. Giai đoạn 2026 - 2030, nâng công suất chế biến của các cơ sở chế biến quế trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu các xu thế phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ các loại sản phẩm quế sau chế biến theo hướng đi tắt, đón đầu, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu đến các thị trường khó tính; tìm kiếm thị trường lâm sản xuất khẩu, tập trung vào thị trường Mỹ và các nước châu Âu.
Phóng viên: Ông có khuyến cáo gì cho Bảo Yên khi mở rộng diện tích trồng quế và đặc biệt diện tích quế trên địa bàn bước vào chu kỳ thu hoạch?
Ông Vũ Hồng Điệp: Để phát triển bền vững cây quế trên địa bàn tỉnh nói chung và của huyện Bảo Yên nói riêng, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bảo Yên cần bám sát định hướng và giải pháp của Nghị quyết số 10.
Cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, đặc biệt phải đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh quế là tiền đề quan trọng để mời gọi, thu hút doanh nghiệp có năng lực đủ mạnh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu, tinh chế sản phẩm quế, nhằm gia tăng giá trị quế và phát triển bền vững sản phẩm quế.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn