Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên

Đảng bộ tỉnh Lào Cai 74 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ sáu - 05/03/2021 01:36
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, lịch sử 74 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh gắn liền với chặng đường đấu tranh anh dũng, bất khuất, đầy hy sinh, gian khổ, song cũng vô cùng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh.

Hơn bảy thập niên đã qua, dù phải trải qua những thăng trầm của thời gian, cả khi khó khăn cũng như thuận lợi, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn đoàn kết một lòng, hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu, cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Ngày 5/3/2021, kỷ niệm 74 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, đây là dịp để cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lào Cai ôn lại những trang sử vẻ vang, rất đỗi tự hào để xây dựng khát vọng vươn cao, vươn xa, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 và tỉnh phát triển vào năm 2045.

lc1
Thành phố Lào Cai hôm nay.

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, Lào Cai luôn được coi là “phên dậu”, một trong những địa bàn trọng yếu. Ngay từ buổi đầu dựng nước, vùng đất Lào Cai đã thường xuyên là nơi diễn ra chiến sự ác liệt, chống các thế lực phản động và ngoại bang xâm lược, trong đó có nhiều trận quyết chiến chống quân xâm lược phương Bắc; do đó, nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất.

Đến thời cận đại, Lào Cai là một trong những căn cứ chống thực dân Pháp. Bảo Thắng được Lưu Vĩnh Phúc chọn là nơi xây dựng hệ thống đồn binh, trạm kiểm soát vùng biên giới và trở thành căn cứ của quân Cờ Đen. Từ năm 1886 đến đầu thế kỷ XX, Nhân dân các dân tộc Lào Cai đã liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Ngọn lửa đấu tranh trên đất Lào Cai đã cổ vũ phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của phong trào cách mạng cả nước nói chung và vùng đất biên cương nói riêng. Nhiều chiến công oanh liệt chống ngoại xâm ở miền biên ải Lào Cai đã đi vào lịch sử.

Năm 1945, Lào Cai phải đối phó với quân đội Tưởng Giới Thạch và bè lũ tay sai, phản động. Đúng vào thời điểm phức tạp ấy, ngày 18/10/1945, Bác Hồ viết thư gửi đồng bào và chiến sỹ Lào Cai, thể hiện sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và lời động viên, tin tưởng của Người. Lá thư của Bác như lời hiệu triệu Nhân dân Lào Cai đứng lên đấu tranh. Chỉ một thời gian ngắn, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đoàn cán bộ Trung ương cùng cán bộ địa phương đã vận động thành lập được chính quyền cách mạng ở thị xã Lào Cai, huyện Bảo Thắng và huyện Sa Pa.

Đầu tháng 9/1946, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lào Cai được thành lập. Ngày 30/11/1946, Ủy ban Quân quản tỉnh Lào Cai được thành lập, đầu năm 1947 đổi thành Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kháng chiến. Để nâng cao năng lực lãnh đạo công cuộc kháng chiến, tháng 1/1947, Khu ủy quyết định thành lập Tỉnh ủy Lào Cai lâm thời thay cho Ban Cán sự Đảng. Ngày 5/3/1947, tại thị xã Lào Cai, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai đã họp, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Hội nghị là mốc son đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Từ đây, Nhân dân Lào Cai, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh ra sức phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt giải phóng quê hương.

Tháng 10/1947, thực dân Pháp tái chiếm Lào Cai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, quân và dân các dân tộc Lào Cai đã phối hợp cùng quân và dân các dân tộc vùng Tây Bắc đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau và làm thất bại âm mưu “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp. Chiến thắng của quân và dân Tây Bắc trong chiến dịch Sông Thao (7/1949), trong chiến dịch Tây Bắc (2/1950) có đóng góp không nhỏ của quân và dân Lào Cai.

Tháng 9/1950, phối hợp với bộ đội chủ lực của ta trong chiến dịch Biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong II), quân và dân Lào Cai đã chiến đấu kiên cường, lần lượt giải phóng các địa phương trong tỉnh. Ngày 1/11/1950, thị xã Lào Cai sạch bóng quân thù; chiến dịch Lê Hồng Phong II kết thúc thắng lợi, Lào Cai hoàn toàn giải phóng, mở ra một bước ngoặt trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Lào Cai, đồng thời phá tan âm mưu lập “Tỉnh Nùng”, “Tỉnh Thái” tự trị và ý đồ phong tỏa biên giới của thực dân Pháp. Thắng lợi đó không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu dũng cảm, mưu trí của quân, dân Lào Cai, mà còn khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh.

Từ năm 1950 đến năm 1955, quân và dân các dân tộc Lào Cai đã đồng hành, chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến chống pháp, tiễu phỉ, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1955 - 1975), Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân Lào Cai vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa tiến hành chống chiến tranh phá hoại của địch trên địa bàn tỉnh, cùng với Nhân dân miền Bắc thực hiện nghĩa vụ của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Tỉnh Lào Cai tự hào đã có hàng nghìn người con ưu tú lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu anh dũng, hy sinh, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm 1976 - 1991, giai đoạn Lào Cai nằm trong tỉnh Hoàng Liên Sơn, Nhân dân các dân tộc địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phòng tuyến biên giới, cùng cả nước tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979), giữ vững phên dậu của Tổ quốc.

Từ năm 1991 đến nay, sau 30 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Lào Cai đã chuyển mình mạnh mẽ từ vùng đất nghèo khó, hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh trở thành vùng động lực phát triển nơi biên viễn, một điểm sáng ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Năm 1991, Lào Cai được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, phải đối mặt với nhiều khó khăn của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, như mặt bằng dân trí thấp (60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã “trắng” về giáo dục); 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; 55% hộ thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp, khó lường… Các trung tâm thị xã, thị trấn trong tỉnh gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh, Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo nhất trên cả nước, thu ngân sách chỉ đạt 36 tỷ đồng.

Từ năm 1991 đến năm 2001 là chặng đường Đảng bộ tỉnh Lào Cai vượt qua khó khăn, thử thách, định hình hướng đi, xác định nhiệm vụ trọng tâm, phát huy lợi thế để tạo đà phát triển bằng nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hiện thực hóa di nguyện của Bác Hồ “Cố gắng thi đua làm cho tỉnh nhà ngày thêm phồn thịnh và sung sướng”.

Từ năm 2001 đến nay, tỉnh Lào Cai bước vào giai đoạn ổn định và phát triển, Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo khai thác các lợi thế, tiềm năng cũng như nhận diện khó khăn, thách thức, xác định con đường phát triển của Lào Cai. Với các chủ trương đúng được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, đề án trọng tâm hướng về cơ sở, từ năm 2001 đến nay, tỉnh luôn dành từ 70% nguồn lực đầu tư cho cơ sở, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt 2 con số, quy mô GRDP ngày càng lớn, năm 2020 thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.089 tỷ đồng (gấp hơn 252 lần so với năm 1991); thu nhập bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng (xếp thứ 2 trong các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và gấp 105 lần so với năm 1991); tỷ lệ giảm nghèo nhanh, từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 8,46% (năm 2020 theo tiêu chí mới); khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (năm 2019); 57/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã có đường giao thông kiên cố và điện lưới đến trung tâm xã. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng ở tốp đầu cả nước.

Giáo dục, y tế đều có bước phát triển vượt bậc. Ngày đầu tái lập, 60% trẻ trong độ tuổi chưa được tới trường, đến năm 2000, Lào Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; năm 2007 phổ cập giáo dục THCS, năm 2013 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sỹ/vạn dân; 9 bệnh viện tuyến huyện, 164 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 1 bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường bệnh.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả toàn diện. Thành phố Lào Cai đã vươn mình trở thành đô thị loại II từ năm 2014 và đang phấn đấu sớm trở thành đô thị loại I. Với những kết quả vượt bậc, Lào Cai luôn được xem là tỉnh tiên phong trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

 
lc2
Thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI.

Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực sau 30 năm tái lập tỉnh đã khẳng định vai trò to lớn của Đảng bộ tỉnh cùng sự chung sức, đồng lòng, thống nhất ý chí của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Có được những thành tựu trên, trước hết là do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cùng các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở có sự đoàn kết, thống nhất cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì một Lào Cai phát triển nhanh, bền vững. Cùng với quan điểm chỉ đạo đúng đắn, nhất quán, phương pháp lãnh đạo khoa học, phù hợp với thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng phát triển toàn diện, bền vững, có bước đi thích hợp. Bên cạnh đó, cùng với phương châm “nói đi đôi với làm”, tập trung cho cơ sở, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Lào Cai biết khai thác nguồn nội lực, thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực để phát triển nhanh và bền vững.

Chặng đường 74 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Lào Cai ghi dấu những trang sử vẻ vang, thấm đượm biết bao mồ hôi, công sức và cả xương máu của lớp lớp thế hệ người Lào Cai. Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

Năm 2021 đánh dấu chặng đường sau 30 năm tái lập tỉnh, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Càng tự hào về truyền thống của Đảng bộ, mỗi chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm với tương lai phát triển của tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới rất nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Với những dấu ấn sâu sắc về ý chí và nghị lực, lòng dũng cảm và sự thông minh, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nguyện đoàn kết một lòng, bền bỉ phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, viết tiếp những trang sử mới làm rạng rỡ thêm truyền thống của Đảng, của dân tộc, trở thành điểm sáng ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

                                                                                     Đặng Xuân Phong

                                  Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Nguồn tin: http://baolaocai.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây