Tại buổi làm việc, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chủ trì thiết kế ý tưởng đã đưa ra 3 phương án kiến trúc. Phương án 1 với tên gọi Nếp bản, lấy ý tưởng từ những căn nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ, niên đại hàng chục năm. Phương án 2 có tên gọi Nhịp điệu núi rừng, lấy ý tưởng từ đặc trưng cảnh quan không gian sống, nơi lưu trữ kho trầm tích văn hóa dân gian người Tày từ ngàn đời. Phương án 3 có tên gọi Giai điệu thượng ngàn, lấy ý tưởng từ cây đàn tính trong làn điệu dân ca mang màu sắc tín ngưỡng đặc trưng của người Tày.
Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, các phương án thiết kế đều thống nhất quan điểm xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Giao lưu văn hóa Tày trở thành công trình biểu tượng, phù hợp với bối cảnh, văn hóa bản địa; khai thác tốt điều kiện địa phương, phục hồi hệ sinh thái; vật liệu và phương thức xây dựng bản địa; sử dụng các giải pháp xanh, tiết kiệm năng lượng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan và huyện Bảo Yên đã đánh giá, góp ý vào phương án thiết kế. Các ý kiến cho rằng, phương án kiến trúc phải tái hiện được những nét cơ bản, đặc trưng của kiến trúc nhà sàn người Tày Nghĩa Đô. Không gian của trung tâm phải được thiết kế như một bảo tàng sống động về văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, nơi giao thoa của người Tày Đông Bắc và Tây Bắc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, việc xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Giao lưu văn hóa Tày là cần thiết nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đây cũng là chủ trương lớn mà Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là sau khi có trung tâm này thì đưa vào hoạt động, khai thác ra sao để phát huy hiệu quả, điều này đòi hỏi cả đơn vị thiết kế kiến trúc và chính quyền địa phương phải thật sự tâm huyết tìm phương án phù hợp. Trước hết, trung tâm phải phát huy vai trò như là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của xã kết nối với chợ văn hóa Nghĩa Đô, gắn với du lịch cộng đồng tại địa phương.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao việc huyện Bảo Yên đã chủ động mời các chuyên gia uy tín, đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc để tham gia ý tưởng thiết kế Trung tâm Bảo tồn và Giao lưu văn hóa Tày. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, kiến trúc của trung tâm phải đặt trong không gian tổng thể của Nghĩa Đô với bản làng truyền thống, dòng suối Nậm Luông thơ mộng, cảnh quan núi rừng xanh mát. Trong quá trình thiết kế cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đảm bảo nhân dân thực sự hài lòng và mong muốn gắn bó với trung tâm này. Cùng với đó, trung tâm phải là công trình mang tính biểu tượng, tạo ấn tượng với du khách, trở thành điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Trên cơ sở góp ý của các sở, ngành liên quan, đơn vị thiết kết tiếp tục sáng tạo, bổ sung, hoàn thiện phương án. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Nghĩa Đô đang có không gian văn hóa dân tộc Tày đặc sắc không phải nơi nào cũng có, vì vậy khi Trung tâm Bảo tồn và Giao lưu văn hóa Tày đi vào hoạt động, huyện phải khai thác phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn, giữ gìn được văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.
Nguồn tin: http://baolaocai.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn