Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên

Đoàn công tác huyện Bảo Yên học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn thực hiện các mô hình giảm nghèo

Thứ bảy - 15/07/2023 22:05
Trong 2 ngày (14-15/7/2023), Đoàn công tác của huyện do đồng chí Nguyễn Xuân Nhẫn – Phó bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng đoàn đã có chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn thực hiện các mô hình giảm nghèo tại các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Cùng đi, có lãnh đạo, chuyên viên phòng: Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; Lãnh đạo, công chức phụ trách công tác giảm nghèo các xã; các hộ dân đã và đang phát triển các mô hình kinh tế trên địa bàn các xã. 
anh tin bai
Thực tế vùng trồng chuối của HTX Thượng Nông.
 

Theo đó, đoàn công tác đã đi tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm: Vùng sản xuất nguyên liệu chuối và khu vực sơ chế các nguyên liệu từ chuối theo quy trình khép kín của HTX Nông nghiệp Thượng Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ). Đây là một trong những đơn vị đi đầu trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, xây dựng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm như: Chuối tây, bưởi da xanh, bưởi diễn,… cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt trong đó là chuối tây Thái Lan. Với lợi thế đất phù sa ven sông, HTX Thượng Nông đã thực hiện dự án trồng 25ha chuối Tây Thái Lan, chuối sinh trưởng và phát triển tốt với mật độ 75 cây/ sào, mỗi cây cho lãi khoảng 50.000 đồng/ buồng. HTX đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc chuyện dụng để sơ chế thân cây chuối thành sợi tơ xuất khẩu sang Nhật Bản. Bình quân 1 tấn thân cây chuối tươi sẽ sơ chế được khoảng 100kg sợi thô với giá bán 80.000đ/kg. Trong quá trình ép sợi, các phế phẩm như: bã, dịch thân cây được thu hồi ủ men để sản xuất phân bón hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

anh tin bai
anh tin bai
Đoàn công tác làm việc với HTX Nấm Tam Đảo.
 

Tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, đoàn công tác đã đi tham quan HTX Nấm Tam Đảo. Đây là một trong những HTX nông nghiệp chuyên trồng nấm ăn và nấm dược liệu áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật cao, đưa máy móc vào hỗ trợ các công đoạn và sản xuất nấm theo quy trình VietGap. Nhiều sản phẩm từ nấm của HTX đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và là sản phẩm quà tặng du lịch của tỉnh. Ngoài ra HTX Nấm Tam Đảo đã và đang hợp tác chế biến bã thải từ trồng nấm thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, tạo chuỗi khép kín cho quy trình sản xuất của HTX. Đây cũng là đơn vị đang liên kết với ngành Nông nghiệp huyện Bảo Yên vận động nhân dân khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, hỗ trợ, cung ứng, chuyển giao khoa học kỹ thuật và sử dụng chế phẩm sinh học cũng như bao tiêu sản phẩm cho người dân.

anh tin bai
Tham quan nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái.

Tham quan Nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Đoàn công tác được cảm nhận một không khí làm việc nhộn nhịp diễn ra rất khẩn trương. Hai dây chuyền ươm tơ với công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương với 1.100 tấn kén đang chạy hết công suất để cho ra những cuộn tơ óng ả. Sản phẩm tơ tằm sau chế biến sẽ được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Châu Âu. Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái cũng là đơn vị kết nối, giới thiệu các đơn vị cung ứng trứng tằm giống, vật tư nuôi tằm cho các HTX và các hộ nuôi tằm ở địa phương và các vùng lân cận; hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tằm để nâng cao chất lượng kén; ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm bà con làm ra. Đồng thời, đào tạo nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Tại các nơi đến tham quan, học tập kinh nghiệm, đồng chí Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Xuân Nhẫn cảm ơn các đơn vị đã tạo điều kiện để đoàn công tác được học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, và khẳng định Bảo Yên có tiềm năng phát triển các mô hình kinh tế này. Với tinh thần cởi mở, từ những khó khăn đang gặp phải khi thực hiện một số mô hình mà các thành viên đoàn công tác đã chia sẻ, mong muốn các đơn vị sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, cách làm hay trong phát triển kinh tế. Đồng thời, đồng chí cũng mong muốn, thời gian tới các đơn vị sẽ đồng hành cùng nông dân huyện Bảo Yên trong toàn bộ quy trình triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế thông qua việc học tập mô hình của các đơn vị. 

Chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm thực tiễn thực hiện các mô hình giảm nghèo đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng tốt đối với các thành viên trong đoàn công tác. Thông qua chuyến đi, đã tạo được mối quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển giữa địa phương và các đơn vị.

Tác giả bài viết: Bích Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây