Năm 2022, quy mô giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường, lớp tiếp tục phát triển phù hợp; đã sáp nhập 6 trường thành 3 trường; sáp nhập 19 điểm trường mầm non và tiểu học; xóa 72 điểm trường; đưa 2.233 học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 ở điểm trường về học tại trường chính. Cơ sở vật chất trường, lớp học được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa. Toàn tỉnh có 390 trường, tăng 14 trường so với năm học trước. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng vững chắc và chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được khẳng định. Thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật quốc tế, học sinh Lào Cai đoạt giải 3 chuyên đề. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100% kế hoạch giao.
Tuy nhiên, công tác giáo dục vẫn tồn tại hạn chế như: Công tác chỉ đạo, quản lý ở một số lĩnh vực, cơ sở giáo dục chậm đổi mới; chưa có nhiều biện pháp hiệu quả tạo động lực cho đội ngũ; còn thiếu giáo viên so với định mức ở tất cả các cấp học, bậc học; thiếu các biện pháp căn bản để giải quyết khó khăn, tồn tại nhiều năm như duy trì số lượng, tình trạng học sinh nghỉ học, tảo hôn...
Những khó khăn này sẽ được tập trung tháo gỡ trong năm 2023, trọng tâm là duy trì, củng cố vững chắc, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phổ cập giáo dục; hoàn thành các chỉ tiêu xóa mù chữ trong Đề án 06, phấn đấu tỷ lệ thanh niên 18 tuổi có trình độ trung học phổ thông và tương đương đạt 60%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất ý kiến về các nội dung: Phổ cập giáo dục THCS; công tác phân luồng học sinh; chính sách đãi ngộ về giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau học nghề và sau tốt nghiệp cao đẳng, đại học; huy động học sinh vào lớp 10...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Đức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tham mưu những chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh ở các xã đã về đích nông thôn mới nhưng gặp khó khăn; xã hội hoá giáo dục, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ về giáo dục ở từng địa phương; quan tâm triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Quan tâm công tác giáo dục nghề nghiệp, phân luồng, định hướng sau THCS và THPT.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giáo dục tỉnh nhấn mạnh: Trên tinh thần chỉ đạo chung, năm 2023, ban chỉ đạo công tác giáo dục các cấp cần kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả; gắn trách nhiệm từng thành viên với hiệu quả giáo dục; phát huy vai trò, tính chủ động của ban chỉ đạo tại cơ sở; tăng cường năng lực tham mưu, chỉ đạo của ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt là cấp xã. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, nâng cao vai trò tham mưu của ngành giáo dục; đổi mới hoạt động giáo dục, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học nhằm thực hiện chuẩn hóa giáo dục vùng cao, nâng cao chất lượng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Tác giả bài viết: Thu Dịu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn