Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên

Tưng bừng lễ hội đền Phúc Khánh Xuân Giáp Thìn 2024

Thứ hai - 19/02/2024 02:02
Trong không khí vui tươi và phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, sáng ngày 19/02, tức mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024, Ban Quản lý di tích và phát triển du lịch huyện Bảo Yên phối hợp với thị trấn Phố Ràng long trọng tổ chức lễ hội Đền Phúc Khánh, tưởng nhớ công lao của các chúa Bầu đã có công gìn giữ, xây dựng vùng đất Phố Ràng (Bảo Yên) dưới thời nhà Lê.

anh tin bai

 

Các đại biểu và Nhân dân thị trấn Phố Ràng, Du khách tập phương đến dự Lễ hội

anh tin bai

Văn nghệ chào mừng Lễ hội.

 

Tham dự lễ khai hội có ông Nguyễn Anh Chuyên - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; ông Trần Trọng Thông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Công Tư - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND huyện; thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy, đại biểu các cơ quan, ban ngành đoàn thể huyện; Cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân các tổ dân phố thị trấn Phố Ràng và du khách thập phương đến chiêm bái.

 Đền Phúc Khánh nằm trong khu di tích lịch sử Quốc gia Thành cổ Nghị Lang (thành nhà Bầu) được xây dựng từ cuối thế kỷ XVI thời Hậu Lê. Đền thờ các Chúa Bầu: Khánh Dương Hầu - Vũ Văn Uyên, Gia Quốc Công - Vũ Công Mật và các con cháu. Các Chúa Bầu đã có công đánh giặc, dẹp loạn, trấn ải bảo vệ vùng biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc.
Theo sử sách ghi lại: Vào đầu thế kỷ XVI thời vua Lê Chiêu Tông, năm 1516 - 1522 trong vùng có thổ ty Đại đồng tham lam, độc ác cát cứ một vùng rộng lớn. Hai anh em nhà họ Vũ là Vũ Văn Uyên và Vũ Công Mật (người làng Ba Đông, tỉnh Hải Dương) lên sinh sống ở phủ Đại Đồng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giết chết thổ ty Đại Đồng và trở thành người trấn trị Đại Đồng. Vua Lê Chiêu Tông đã phong cho Vũ Văn Uyên làm Đô thống sứ trấn Tuyên Quang, tước Khánh Dương hầu. Anh em nhà họ Vũ chọn vùng đất Nặm Ràng (Phố Ràng ngày nay), là nơi quy tụ các đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng với nhiều vùng làm thủ phủ; huy động nhân dân trong vùng xây thành Nghị Lang (còn gọi là thành nhà Bầu hay Phủ Bầu). Trung tâm của thành Nghị Lang thuộc khu vực đỉnh đồi Tấp, giữa thung lũng Phố Ràng. Thành được xây dựng vào khoảng năm 1527 - 1533, là một căn cứ kinh tế, quân sự vững chắc thời bấy giờ. Trong thành có lầu chỉ huy, có xưởng rèn vũ khí, có xưởng đúc tiền, có trại lính, có khu gia binh, trường học ... Đặc biệt trong thành các Chúa Bầu còn cho xây dựng chùa Phúc Khánh với quy mô lớn nhất vùng sông Chảy. Chùa là nơi thờ Phật và là nơi linh thiêng nhân dân lui tớichiêm bái. Thời bấy giờ, thành Nghị Lang là một trong những chốt chặn quan trọng bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của tổ quốc, các “Chúa Bầu” còn cho xây dựng thêm một số căn cứ quân sự tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc như: Thành Trung Đô (Bảo Nhai - Bắc Hà ngày nay), Thành Bảo Hà, Thành Nghĩa Đô.
Khi Mạc Đăng Dung với mưu đồ tạo phản cướp ngôi vua Lê (năm 1527), anh em Vũ Văn Uyên, và Vũ Công Mật đã lãnh đạo quân sỹ và đồng bào các dân tộc trong vùng hưởng ứng ngọn cờ “phò Lê - diệt Mạc”. Quân nhà Mạc từ Cao Bằng, Hà Giang tràn sang, bị quân dân Thành Nghị Lang dưới sự lãnh đạo của các Chúa Bầu chặn đánh và tiêu diệt. Do có nhiều công lao đóng góp bảo vệ triều đại nhà Lê nên các đời Chúa Bầu đều được phong tước hầu: Vũ Văn Uyên được phong là Khánh Dương hầu,Vũ Công Mật được phong là Gia Quốc công,Vũ Công Ứng được phong là Thuỵ Quận công, Vũ Công Sực được phong là Tống Quận công, Vũ Công Kỷ được phong là Nhâm Quận công, Vũ Công Tuấn được phong là Khoan Quận công. Các Chúa Bầu truyền nối được 6 đời, 5 thế hệ, trấn giữ xứ Tuyên Hoá 172 năm, tương đương với 7 đời vua Lê, từ đời vua Lê Trang Tông đến đời vua Lê Huyền Tông, 6 đời chúa Trịnh từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Tạc, 10 đời nhà Mạc từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Kính Vũ.
Vào cuối thời Hậu Lê - đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc lo sợ dòng họ Vũ làm phản triều đình, đã điều binh lên vùng Hưng Hoá - Tuyên Quang chinh phạt Vũ Công Tuấn (cháu đời thứ 5 của Vũ Công Mật). Toàn bộ vùng đất do họ Vũ cai quản từ Yên Bình đến Lục Yên và Thuỷ Vĩ (Lào Cai) bị triệt phá. Thành Nghị Lang - Chùa Phúc Khánh cũng chịu chung bị phá huỷ.
Phế tích Thành cổ Nghị Lang sau nhiều năm bị lãng quên, nhưng tinh thần yêu nước của các bậc anh hùng dân tộc không phai nhoà trong ký ức người dân vùng đất Phố Ràng. Từ những năm cuối thập kỷ 80 (thế kỷ XX), tại khu vực nềm móng cũ của Chùa Tấp trên đỉnh đồi Tấp,một số người dân đã cho xây dựng ngôi đền nhỏ để thờ phật và thờ các chúa Bầu. Đến năm 2001, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Bảo Yên, sự phối hợp giúp đỡcủa nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Huy Ích và Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, khu Phế tích Thành cổ Nghị Lang đã được nghiên cứu một cách khoa học. Trong quá trình khai quật khảo cổ, đã tìm được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như: Rùa đội bia đá và bia đá với dòng chữ hán “Phúc Khánh Tự” (tức Chùa Phúc Khánh), kiếm sắt, mũi giáo, chén bạc, bát đĩa, gạch ngói, ở phía Tây thành còn tìm thấy khẩu súng lệnh trên thân súng có khắc dòng chữ “Nghị Lang Thủ Ngự”, bên tả ngạn sông Hồng bãi Soi Bầu thuộc khu 1 tìm thấy một lò nung gốm, khu vực hồ thủy điện Phố Ràng tìm thấy bãi tập kết vật liệu để xây chùa Phúc Khánh xưa.
Với những tư liệu lịch sử, những hiện vật vô cùng quý giá đã chứng minh cho một thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc của các Chúa Bầu. Đến năm 2001 phế tích Thành cổ Nghị Lang được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của nhân dân các dân tộc địa phương, năm 2002 đền Phúc Khánh được xây dựng tạm để nhân dân thờ tự các chúa Bầu. Đến ngày 10 tháng Giêng năm 2003 lần đầu tiên lễ hội đền Phúc Khánh được tổ chức để đón rước các "Chúa Bầu" vào nơi thờ tự. Đến năm 2006, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai chính thức phê duyệt dự án tôn tạo đền Phúc Khánh với quy mô tổng diện tích quy hoạch là 12,7 ha; trong đó diện tích xây dựng đền chính 5 gian và các nhà tả vu, hữu vu, sân, cổng đền được thiết kế theo kiểu kiến trúc đền chùa thời Lê với diện tích 5,1 ha; 7,6 ha là khu vực các công trình phụ trợ như: công viên cây xanh, vườn hoa, sân lễ hội. Sau 2 năm thi công, ngày 18/9/2007 đền Phúc Khánh được khánh thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu tham quan chiêm bái của nhân dân và du khách.

 Mở đầu Lễ hội Đền Phúc Khánh Xuân  Giáp Thìn  năm 2024 là màn văn nghệ chào mừng với những bài hát, điệu múa mang đậm nét văn hóa đặc sắc của lễ hội đầu xuân tạo ấn tượng tốt đẹp với đại biểu, du khách và nhân dân địa phương.

anh tin bai

Ông Phạm Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Phố Ràng đánh trống khai hội.

Trong không khí náo nức của Lễ hội, ông Phạm Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Phố Ràng đánh hồi trống khai hội mở màn cho các hoạt động Lễ hội Đền Phúc Khánh Xuân Giáp Thìn năm 2024. Tiếp đó các vị đại biểu, đại diện các tổ dân phố thị trấn Phố Ràng cùng đông đảo du khách thập phương tổ chức dâng hương tỏ lòng thành kính các chúa Bầu.

anh tin bai

Lễ rước kiệu lên Đền Phúc Khánh.

anh tin bai

Đại biểu và Du khách dâng hương tỏ lòng thành kính các chúa Bầu.

anh tin bai

Các đồng chí lãnh đạo huyện Bảo Yên dâng hương.

Sau phần lễ là phần hội diễn ra các môn thi đấu, trò chơi dân gian như: Kéo co, đập bóng nước, bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy…thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân thị trấn tham gia và cổ vũ.

 

pk95.JPG
pk99.jpg
pk992.jpg
Người dân và du khách sôi nổi tham gia các trò chơi.
Lễ hội Đền Phúc Khánh là dịp để tưởng nhớ, tôn vinh công đức của các Chúa Bầu - những người đã có công bảo vệ sự bình yên của giang sơn đất nước và xây dựng vùng đất Phố Ràng phát triển phồn thịnh bên dòng sông Chảy. Lễ hội Đền Phúc Khánh được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 tháng Giêng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của bào các dân tộc tạo tiền để cơ sở vững chắc cho việc phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng một cách bền vững. Tập trung nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng tầm các giá trị văn hóa trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, phù hợp với xu thế và thị trường du lịch giai đoạn hiện nay, tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến với Bảo Yên ngày một nhiều, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa huyện.
Trong thời gian tới, huyện Bảo Yên mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ hơn nữa của các cấp, các ngành, của các tổ chức, cá nhân, nhân dân và du khách thập phương để xây dựng di tích Đền Phúc Khánh ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Tác giả bài viết: Minh Huyền - Hoàng Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây