Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, là năm cuối các cấp Hội Nông dân thực hiện Nghị quyết Trung ương HND khóa VII. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp HND Bảo Yên đã kiện toàn củng cố tổ chức hội, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực để thu hút hội viên. Trong năm, các cấp hội đã kết nạp mới là 310 người, nâng tổng số hội viên là 14.604 người, đạt 148% kế hoạch tỉnh giao.
Trong phát triển kinh tế, các cấp hội đã chỉ đạo sát sao các hoạt động, phong trào của hội, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đồng thời nâng cao đời sống của hội viên nông dân trong huyện. Nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết hợp tác trong sản xuất đưa phong trào phát triển nhanh với chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt, các cấp hội đã tăng cường công tác tuyên truyền những chính sách khuyến khích hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vận động bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích một số loại cây trồng kém hiệu quả. Qua đó, nhiều hộ đã áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất và mang lại nguồn thu nhập cao, sản lượng nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tập trung định hướng sản xuất theo cây con chủ lực và ngành hàng tiềm năng theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy theo ngành hàng chủ lực của tỉnh và ngành hàng tiềm năng của huyện. Vận động và hỗ trợ thành lập các tổ hội nông dân nghề nghiệp 5 cùng (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề, sản xuất kinh doanh;cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng trách nhiệm, cùng hưởng lợi). Đến nay, có 34 tổ hội nghề nghiệp được duy trì, thành lập mới 5 tổ hội nông dân nghề nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Các HTX hoạt động có hiệu quả, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa tạo ra các sản phẩm có chất lượng, uy tín trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho các thành viên.
Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào lớn, trọng tâm của hội, tạo sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế- xã hội ở nông thôn. Phong trào đã nhận được sự tham gia tích cực của nông dân, có nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo hướng kinh tế tuần hoàn khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số mô hình có quy mô sản xuất lớn tạo việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định. Phong trào khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nông dân thoát nghèo bằng nhiều hình thức như: chia sẻ về cách thức làm ăn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ vốn, giống, giúp công lao động,… Từ phong trào, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế từng địa phương. Tổng số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022 trên toàn huyện đạt 1.601 hộ, trong đó: Số hộ cấp trung ương: 05 hộ; số hộ đạt cấp tỉnh: 71 hộ, cấp huyện: 360 hộ và cấp xã: 1.165 hộ, tăng 115 hộ so với chỉ tiêu giao, đạt 105% kế hoạch. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đoàn kết giúp nhau làm giàu góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, làm đường giao thông nông thôn. Trong năm các cấp hội đã vận động trên 10 nghìn hội viên nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tham gia tu sửa, bảo dưỡng đường giao thông liên thôn, khơi thông cống rãnh, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh môi trường nông thôn,nông dân đã tự nguyện đóng góp trên 917 triệu đồng, 4.573 ngày công lao động, hiến trên 10.000.000 m2 đất; tham gia sửa chữa, kiên có hóa, bảo dưỡng 217km kênh mương, làm mới và chỉnh trang 148 nhà ở; làm mới, tu sửa chuồng trại gia súc hợp vệ sinh 211 chuồng; xây mới 1.035 nhà tiêu hợp vệ sinh; 1.215 hố thu gom rác thải. Tuyên truyền, vận động vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng mỗi xã 01 mô hình thu gom, xử lý rác thải bảo vệ môi trường. Theo đó, đã xây dựng được 33 mô hình Hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường; triển khai xây “bể chứa ứng dụng công nghệ sinh học xử lý rác thải nông nghiệp trong chăn nuôi bảo vệ môi trường nông thôn” cho 15 hộ tại xã Bảo Hà. Phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tham mưu Huyện ủy thực hiện các hoạt động chương trình dân vận tại xã Lương Sơn thu hút trên 1.000 ngày công lao động, trong đó có trên 280 cán bộ huyện/xã, hội viên nông dân tham gia làm các công trình phần việc như: Làm cổng chào vào thôn Pịt, Làm đường điện, trồng đường hoa tuyến vào Đền Pịt với chiều dài 1,3km, trao kinh phí hỗ trợ 01 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (15.000.000đ), làm 02 chòi tại 02 điểm dừng chân, đồng thời hướng dẫn chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh cho các hộ dân trong thôn, hướng dẫn làm 15 hố ủ phân, ... Duy trì hoạt động tốt 5 câu lạc bộ “ Nông dân với pháp luật” phối hợp với Tỉnh Hội, các ngành tư pháp, tài nguyên, thanh tra tập huấn khiếu nại tố cáo cho 65 hội viên, 23 buổi tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 158 người, hòa giải thành công 100 vụ. Thực hiện tốt Quyết định 81/2014/QĐ-TTg “Về việc phối hợp giữa các bộ ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân “ góp phần vị thế Hội ngày càng nâng lên, thu hút đông đảo nông dân vào Hội. Lòng tin của hội viên, nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới trên các lĩnh vực của đất nước và hội nhập.
Trong công tác tổ chức dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội nông dân huyện đã chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn tăng cường công tác vận động xây dựng và phát triển Qũy hỗ trợ Nông dân, tăng trưởng dư nợ với 02 ngân hàng: Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay. Hiện, nguồn vốn Qũy hỗ trợ nông dân là 4,020 tỷ đồng, với 85 hộ vay. Công tác đào tạo nghề, lao động việc làm được tập trung chỉ đạo. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong năm, phối hợp với Trung tâm dạy nghề HND tỉnh mở 02 lớp dạy nghề cho 60 học viên với nội dung: chăn nuôi thú y; trồng và chăm sóc quế. Song song với đó, Hội nông dân huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp cho các hội viên theo phương thức trả chậm gắn với chuyển giao kỹ thuật, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ. Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai đã tổ chức đánh giá, xếp hạng lần 1 cho các sản phẩm đợt 1 huyện Bảo Yên có 8/8 sản phẩm đạt 3 sao trở lên gồm: Bì trâu muối A sử, Thịt trâu sấy A Sử, Ớt muối Nghĩa Đô, Chuối ngự Hồng Cam, Trà túi lọc hương quế, Trà túi lọc hương hoa nhài, Bánh gai Công Sang, Thịt vịt bầu Nghĩa Đô. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ đẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; quản lý tốt nhãn hiệu sản phẩm được giao, phối hợp với các cơ quan liên quan nâng cấp sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn đề nghị Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương là Thịt trâu sấy, Khoai môn Bảo Yên, Chè Bảo Yên.
Để thực hiện có hiệu quả và tuyên truyền rộng rãi trong toàn huyện về các phong trào thi đua của hội, Hội Nông dân huyện Bảo Yên chủ trì tổ chức hội thi “Nhà nông đua tài huyện Bảo Yên năm 2022” với chủ đề: Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho 6 đội thi/17 xã, thị trấn; Hội thi “Nông dân Bảo Yên thi đua thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa” với chủ đề: “Nông dân Bảo Yên với sản xuất quế hữu cơ” từ cụm xã đến thi chung kết đã lan tỏa, phổ biến về kiến thức, tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với những mục tiêu, giải pháp thực hiện NQ.. Nhân các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương và của Hội, các đơn vị cũng tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết gắn bó, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, hội viên, nông dân. Từ đó, tạo sức lan tỏa và nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của công tác hội và phong trào nông dân đối với phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Có thể thấy, năm 2022 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp Hội, hội viên, nông dân trong huyện đã đoàn kết, hăng hái thi đua vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ; các chỉ tiêu thi đua của công tác hội và phong trào nông dân đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Những kết quả đạt được trên là sự phấn đấu không ngừng của các cấp hội và hội viên nông dân đã góp phần cùng nhân dân trong huyện thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng tổ chức hội Nông dân ngày càng vững mạnh, góp phần giữ vững nhịp độ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nông dân, xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tác giả bài viết: Trọng Điểm - Bích Quyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn