Các đồng chí: Hoàng Quốc Bảo - UV BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Bảo Yên; Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ; Trần Trọng Thông - Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Nhà văn hoá huyện Bảo Yên có đồng chí Trần Thị Hằng - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang; các đại biểu là diễn giả, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển nông - lâm nghiệp; Lãnh đạo các cơ quan TMGV Huyện ủy, MTTQ và các tổ chức CT - XH huyện, một số phòng, ban, đơn vị thuộc huyện; Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn cùng 180 đại biểu đại diện cho các hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn huyện.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tại điểm cầu các xã, thị trấn có lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các địa phương, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, Đại diện các hộ SXKDG các cấp trên địa bàn các xã, thị trấn.
Huyện Bảo Yên có diện tích tự nhiên gần 82 nghìn ha, trong đó đất nông - lâm nghiệp là 71.500 ha, chiếm 87,2% diện tích tự nhiên; có điều kiện khí hậu ôn hòa; nguồn sinh thủy dồi dào. Do vậy Bảo Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế Nông lâm nghiệp. Thời gian qua, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi được duy trì, đảm bảo theo kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 45.557 tấn; tổng đàn gia súc ước hiện có đạt 57.000 con; tổng đàn gia cầm đạt 720.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 458 ha. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 90 triệu đồng/ năm; cơ cấu kinh tế giữa các ngành nông lâm nghiệp 28% – công nghiệp xây dựng 33,5% – du lịch dịch vụ 38,5%. Đến nay, huyện đã có 7 xã hoàn thành tiêu chí xã NTM; phấn đấu huyện về đích nông thôn mới vào năm 2025.
Triển khai Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai bước đầu đã có kết quả, với các cây con chủ lực của tỉnh đã có 25 nghìn ha quế, trên 550 ha chè, gần 300 ha chuối; gần 36 nghìn con lợn và các cây trồng, vật nuôi tiềm năng của huyện: dâu tằm trên 31 ha; gần 300 ha cây ăn quả nhiệt đới thanh long, bưởi, hồng không hạt..; Vịt bầu gần 39 nghìn con, gà đồi trên 500 nghìn con… Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn huyện tiếp tục tăng qua từng năm. Hàng năm số hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp đều đạt trên 50%. Năm 2022 là có 1.601 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (cấp Trung ương 5 hộ, cấp tỉnh 71 hộ, 360 hộ, cấp xã 1.165 hộ). Năm 2023 là 1.718 hộ (cấp Trung ương 5 hộ, cấp tỉnh 71 hộ, 378 hộ, cấp xã 1.264 hộ), tăng 117 hộ so với năm 2022. Đây là lực lượng chính góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Đến nay, tổng số sản phẩm OCOP của huyện là 34 sản phẩm, tiêu biểu như: Thịt trâu sấy, Bì trâu muối, Trà túi lọc hương Quế, Trà túi lọc hương hoa Nhài, Chuối ngự Hồng Cam, Thịt vịt bầu Nghĩa Đô, Ớt bà Đằng, Bánh gai Công San... Đối với các sản phẩm mới tham gia đánh giá, huyện Bảo Yên có 04 chủ thể với 07 sản phẩm như: HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cầu Mây (Quế Điếu Cầu Mây, Quế Sáo Cầu Mây), Chi nhánh HTX Duy Phong huyện Bảo Yên (Quế mật ong), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt (Măng nứa khô Việt Tiến; Măng Pác Puồn luộc Việt Tiến; Măng lưỡi lợn khô Việt Tiến), Hộ kinh doanh Hoàng Văn Sử (Thịt lợn hun khói A Sử). Tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động của 45 tổ hội nông dân nghề nghiệp đã thành lập. Vận động, hướng dẫn các mô hình Hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động. Đến nay, toàn huyện có 27 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả đã đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của địa phương, đặc biệt là người dân. Do đó, tại hội nghị, các đại biểu, diễn giả đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, gợi mở trong phát triển kinh tế đồi rừng, cây ăn quả; tư vấn, hướng dẫn tham gia xuất khẩu lao động; sáng tạo nội dung số phát triển kinh tế; kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến Chuối và các sản phẩm từ cây chuối ; Trồng, chăm sóc cây dâu; thu mua, chế biến các sản phẩm từ kén tằm; tiềm năng, thế mạnh phát triển cây dâu tằm trên địa bàn huyện…
Đại biểu nêu ý kiến phát biểu tại hội nghị
Hội nghị cũng dành phần lớn thời gian để các đại biểu tham gia thảo luận, nêu lên các ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: Tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông - lâm nghiệp; Đề nghị huyện có cơ chế thu hút doanh ngiệp đầu tư xây dựng một nhà máy chưng cất tinh dầu quế tại xã Việt Tiến; Vấn đề về cung ứng giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng; có cơ chế để người dân tiếp cận với Nghị quyết 26/2020/NQ-HĐND, ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh Lào Cai về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Để khôi phục, mở rộng diện tích dâu tằm, đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tằm giống đạt chuẩn, hỗ trợ vốn vay; Đề nghị huyện phối hợp mở các lớp dạy nghề cho hội viên nông dân, giúp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác…
Đồng chí Trần Trọng Thông - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trả lời ý kiến, kiến nghị của các đại biểu
Đồng chí Trần Trọng Thông thay mặt các đồng chí Thường trực Huyện uỷ Bảo Yên trực tiếp trả lời, giải đáp và làm rõ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu.
Đồng chí Hoàng Quốc Bảo - Bí thư Huyện ủy Bảo Yên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Bảo - Bí thư Huyện uỷ Bảo Yên ghi nhận và đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, cầu thị của các đại biểu, những câu hỏi, vấn đề thảo luận tại hội nghị rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; đồng thời qua thảo luận, trao đổi các đại biểu đã làm rõ, chia sẻ các khó khăn, vướng mắc và đồng tình, ủng hộ, quyết tâm thực hiện với định hướng, giải pháp trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Đồng thời, đồng chí Bí thư Huyện ủy Bảo Yên yêu cầu: Trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương tham mưu cho huyện giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của huyện; quan tâm tạo điều kiện để tiếp sức, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân nói chung, các hộ SXKDG nói riêng trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho Nhân dân. Đối với các hộ sản xuất kinh doanh giỏi nói riêng, Nhân dân nói chung cần phát huy vai trò chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn bản, đầu tư cả về nguồn lực tài chính lẫn thời gian, tâm huyết, sự tận tụy nghiên cứu, tìm tòi giải pháp, định hướng phát triển cho từng địa phương của các đồng chí lãnh đạo huyện, các ngành chuyên môn, các hộ dân phải nêu cao hơn nữa tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi từ các hộ SXKDG tại địa phương mình, tại các huyện, tỉnh khác; Phải biết tự đặt câu hỏi tại sao cùng cơ chế hỗ trợ của nhà nước, cùng điều kiện về đất đai, khí hậu mà họ lại làm tốt, trở thành điển hình tiêu biểu mà mình lại không làm được, mình vẫn nghèo? Đặt được câu hỏi thì mới xác định được vấn đề nằm ở đâu, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền, các ban ngành đoàn thể các cấp để tìm ra nguyên nhân để có động lực vươn lên, quyết tâm làm giàu để không phụ công của cán bộ, của nhà nước và hơn hết là sự khẳng định bản thân với xã hội…
Thông qua hội nghị, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn được định hướng, động viên, khơi dậy ý chí tự lực, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hộ sản xuất kinh doanh giỏi, mỗi hội viên, nông dân; cùng với đó, quán triệt sâu sắc vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, các cơ quan phòng ban chuyên môn đồng hành, hỗ trợ sát sao đối với hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình, HTX… Đồng thời, huyện sẽ có những định hướng, chỉ đạo sát với tình hình và nhu cầu thực tế của cơ sở, người dân trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu lao động, việc làm…
Tác giả bài viết: Bích Quyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn