Dự lễ hội có ông Nguyễn Văn Phương- UV BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; Lãnh đạo một số phòng ban, đơn vị liên quan; cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể xã và đông đảo đồng bào Xa Phó xã Kim Sơn.
Quang cảnh lễ hội Cơm mới
Khi những ruộng lúa chín vàng, các hộ gia đình thu về nhà thành quả lao động của mình thì cũng là lúc người Xa Phó rộn ràng tổ chức lễ mừng cơm mới. Mở đầu là nghi lễ rước hồn mẹ lúa về kho để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một năm canh tác mới, một mùa vụ mới vào năm sau. Người Xa Phó quan niệm: Lúa có hồn cha, hồn mẹ, giống như con người vậy, cần phải hội tụ, gắn kết thì tình cảm mới bền chặt, đơm hoa kết trái.
Người Xá Phó đưa thóc cất trữ trên sàn gác bếp, khi mang lúa vào nhà
Bà Hoàng Thị Tới, Thôn 2 Nhai Thổ, xã kim Sơn chia sẻ: “Lễ mừng cơm mới của người Xa Phó là nghi lễ rước hồn mẹ lúa về kho để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một năm canh tác mới. Đồng thời, dâng cơm mới mời tổ tiên, mừng cho mùa màng bội thu, tổ tiên phù hộ cho gia đình con cháu; mong muốn năm sau sẽ mưa thuận, gió hòa, cây lúa ở mùa vụ sau sẽ trổ bông, chắc hạt, mọi gia đình trong bản đều no ấm, yên vui”.
Mở đầu lễ hội với các tiết mục mang đậm bản sắc của người Xa Phó, như: múa trồng bông dệt vải, múa mừng lúa mới, hát dân ca giao duyên, biểu diễn sáo mũi… hấp dẫn người xem.
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội.
Tại lễ hội, đã tổ chức phục dựng lại các nghi lễ như: nghi lễ giữ hồn lúa, hái lúa, bó lúa, gùi lúa về gia đình, mâm cơm mới được trang trọng dâng lên bàn thờ tổ tiên, mừng cho mùa màng một năm bội thu. Tiếp đó là phần hội với các trò chơi đi cà kheo, kéo co... thu hút đông đảo bà con dân bản tham gia.
Đại biểu cùng nhân dân hái lúa
Đại biểu cùng Nhân dân giã lúa
Sau khi cúng xong, gia chủ mời cơm khách chung vui, ăn mừng cơm mới với gia đình và người thân
Thi kéo co tại lễ hội
Ông Nguyễn Sĩ Hồng, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện cho biết: “Lễ cơm mới không chỉ đơn thuần là một thành tố văn hóa của đồng bào Xa Phó mà nó còn ẩn chứa nhiều giá trị để văn hóa khác như: tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, các trò chơi dân gian, các sản phẩm hiện hình như là lóng xáo, xáo mũi, cú kẹ, kèn bầu, ma nhí, gùi hay là mẹt; mà trọng tâm là các nghi thức như là nghi thức giữ hồn lúa, gọi hồn lúa, từ đó khẳng định được tính độc đáo riêng biệt trong văn hóa của đồng bào dân tộc Xa Phó so với các dân tộc khác. Không những vậy, lễ hội cơ mới còn mang giá trị trong việc cố kết cộng đồng rất là cao bao trùm cả sự kết nối với làng xóm, láng giềng và cả sự yêu thương đoàn kết trong từng gia đình”.
Để giữ gìn và bảo tồn nét đẹp lễ mừng cơm mới của người Xa Phó, huyện Bảo Yên cũng đã xây dựng các đề án về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của huyện. Trong đó có việc giữ gìn, bảo tồn phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc Xa Phó như lễ hội mừng cơm mới.
Tác giả bài viết: Bích Quyên - Trọng Điểm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin cũ hơn