Theo các bà, các chị ở vùng Nghĩa Đô và Vĩnh Yên, để làm món “mảy nhừng”, phải dùng nguyên liệu là giống gà ri, mà phải là gà tơ nặng chừng 8 - 9 lạng. Người ta thịt gà và lọc xương, băm thịt cho nhuyễn, gia giảm các loại gia vị từ lá cây rừng, củ kiệu băm nhỏ rồi cuộn trong lá bẹ của cây măng đắng, sau đó nướng trên than hoa. Ngày nay, người Tày thường dùng chảo mỡ để rán nem gà măng đắng. Để chế biến món “mảy nhừng”, lá bẹ măng chỉ bóc lớp bánh tẻ bên trong rồi chần qua nước sôi, sau đó mới gói hỗn hợp thịt gà băm nhuyễn bên trong, rồi rán trên bếp lửa. “Mảy nhừng” là món ẩm thực độc đáo. Cùng với món vịt bầu hấp, cháo cốm vịt, xôi vịt bầu, canh cá suối nấu lá vón vén, nộm trâu sấy ốt ết… thì trong mâm cỗ của đồng bào Tày sinh sống dọc suối Nậm Luông thường có món “mảy nhừng” thết khách. Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, người Tày chính gốc ở xã Nghĩa Đô cho biết: Thực ra chế biến món “mảy nhừng” không cầu kỳ, nhưng phải khéo léo lựa chọn nguyên liệu để đúng với món ăn truyền thống mà các cụ đã để lại. Ngày nay, món “mảy nhừng” được bà con biến tấu khi dùng nguyên liệu từ thịt lợn băm nhỏ, ít nhà còn dùng thịt gà để làm nem măng nữa... Ai về vùng đất có hai dòng sông cũng cảm nhận được những nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào Tày, nhất là văn hóa ẩm thực phong phú, độc đáo. Đặc biệt, vào mùa măng đắng chắc sẽ được thưởng thức món “mảy nhừng” mà theo lịch sử của đồng bào Tày, món ẩm thực trứ danh này đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII.
Nguồn tin: http://baolaocai.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn