Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức tập trung tại Trụ sở Trung ương Đảng và truyền trực tuyến tới điểm cầu ở 8 ban, bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương; hơn 500 điểm cầu cấp huyện, hơn 3.500 điểm cầu cấp xã. Dự Hội nghị có hơn 81.000 đại biểu. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Toàn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; Đại tá Lưu Hồng Quảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Hội nghị được Tỉnh ủy Lào Cai chỉ đạo trực tuyến đến điểm cầu các đảng bộ huyện, thành phố, thị xã; đảng ủy xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Bảo Yên có đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, Lãnh đạo UBND huyện; Các đồng chí Uỷ viên Ban thường vụ, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, các cơ quan Tham mưu giúp việc Huyện ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành huyện.
Báo cáo do đồng chí Phan Đình Trạc trình bày tại Hội nghị nêu rõ: Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. công tác xử lý tham nhũng, tiêu cực nghiêm khắc, nhân văn và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng.
Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, đi vào cuộc sống. Công tác cán bộ được chú trọng; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đổi mới, tăng cường; chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng… Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận, thảo luận làm sinh động hơn kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các ngành, địa phương; chỉ ra những tồn tại, hạn chế; kiến nghị giải pháp và một số vấn đề để hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, người dân đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Tổng Bí thư khẳng định: "Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây". Song, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác phòng, chống tham nhũng còn những hạn chế. Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả, thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư đề nghị phải tiếp tục có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ; chống tham nhũng không thể nóng vội, thỏa mãn; không né tránh, cầm chừng, phải kiên trì, không ngừng nghỉ; việc xử lý lấy giáo dục, phòng ngừa làm chính, song phải nghiêm trị những trường hợp, hiện tượng tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung. Tổng Bí thư yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng phải được chú trọng, khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để có sự vào cuộc của toàn xã hội, để thực hiện phương châm “Nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Kết thúc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh ủy, thành ủy, người đứng đầu các cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát huy những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực.
Tác giả bài viết: Bích Quyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn