Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên

Lễ hội đền Hai Cô xã Kim Sơn năm 2023

Thứ bảy - 11/02/2023 08:49
Sáng ngày 11/02, UBND xã Kim Sơn tổ chức Lễ hội đền Hai Cô xã Kim Sơn năm 2023. Đến dự có đồng chí Vi Lam Sơn, Nguyên UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai; đồng chí Nguyễn Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện; Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông, Ban Quản lý di tích và phát triển du lich huyện; Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Kim Sơn và du khách thập phương.
Lễ hội đền Hai Cô xã Kim Sơn năm 2023
anh tin bai
Quang cảnh lễ hội.

Di tích lịch sử đền Hai Cô tọa lạc trên một khu đất rộng và cao nằm bên tả ngạn Sông Hồng thuộc thôn Kim Quang, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên. Tên gọi Đền Hai Cô gắn liền với nhân vật được thờ trong di tích đó là Hai Cô đã đi theo quan quân nhà Trần đánh giặc Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII và đã anh dũng hy sinh tại vùng đất Kim Sơn.

Tương truyền trong một trận chiến đấu với quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII) có hai cô gái đi theo quân nhà Trần canh gác trên một cái chòi cao tại Bãi Liềm làm nhiệm vụ đốt lửa báo hiệu khi quân địch tới. Trong trận chiến này, thế giặc rất mạnh tiến công như vũ bão, chòi canh của Hai Cô gái bị quân giặc bao vây 4 phía. Biết không thể thoát khỏi vòng vây và quyết không để rơi vào tay quân giặc Hai Cô đã tự châm lửa đốt chòi canh tự sát. Sau khi hai Cô thác đã hiển linh ở khu vực Bãi Liềm. Linh hồn Hai Cô đã nhiều lần hiển linh phù trợ cho quân lính nhà Trần thời bấy giờ đánh thắng trong nhiều trận chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược. Để ghi nhớ công lao của Hai Cô, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ.

anh tin bai
Các tiết mục văn nghệ tại Lễ hội

Ngôi đền tồn tại và phát triển trải qua hai giai đoạn đó là giai đoạn trước và sau năm 1962. Trước những năm 1962, đền Hai Cô được người Dao Họ sinh sống ở Bãi Liềm gọi là miếu Hai Cô. Ngôi đền thời kỳ này được dựng đơn sơ bằng vách nứa, lợp mái lá. Giai đoạn từ những năm 1962 trở lại đây, khi người Kinh từ miền xuôi lên khai hoang, người Dao Họ vốn sinh sống ở Bãi Liềm đã di dời sang vùng đất thuộc xã Cam Cọn để lại ngôi đền bị gió mưa tàn phá không có người thờ phụng. Từ năm 1965, những cư dân mới tới sinh sống tại Bãi Liềm đã dựng lên một lán thờ trên nền đất của ngôi đền cũ để phụng thờ các vị thần linh mong được sự che chở. Kể từ đó, di tích được người dân gọi là đền Hai Cô. Sau đó, người dân thôn Kim Quang đã đóng góp tu bổ thành một ngôi đền 3 gian, lợp mái gianh để thờ phụng Hai Cô và là điểm sinh hoạt tâm linh của dân thôn. Trải qua nhiều lần tu sửa, đến năm 1994 khi ngôi đền bị mối mọt sụp đổ thì người dân Kim Sơn lại tiếp tục đóng góp tiền của và công sức xây dựng ngôi đền bằng gạch ba vanh, trát vữa, lợp mái tôn, tuy nhỏ nhưng khá kiên cố.

anh tin bai
Rước kiệu vào đền Hai Cô.

Trong thời gian tới, huyện Bảo Yên tiếp tục đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đền Hai Cô giai đoạn 1 với tổng kinh phí là 14,5 tỷ đồng với các hạng mục công trình gồm: Đền chính, nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà ban quản lý, am hóa vàng, nhà vệ sinh, giải phóng mặt bằng, san gạt mặt bằng, đầu tư một số hạng mục khác để đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc của đền. Đây là niềm vui của nhân dân các dân tộc xã Kim Sơn nói riêng và của huyện Bảo Yên nói chung. Và nhân dân trong xã cũng luôn mong muốn lễ hội Đền Hai Cô tiếp sẽ là một sự kiện văn hóa, du lịch hàng năm của xã, của huyện. 

 

Đây là năm đầu tiên xã Kim Sơn tổ chức lễ hội đền Hai Cô với quy mô lớn. Lễ hội  được tổ chức với ý nghĩa tưởng nhớ công đức của Hai Cô và cũng là một ngày hội của người dân địa phương cầu mong sự phù hộ của Hai Cô cho dân làng có cuộc sống ấm no, , khỏe mạnh, bình yên, mùa màng tươi tốt, công việc thuận buồm xuôi gió.

anh tin bai
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện dâng hương.

Tại buổi lễ các đại biểu, người dân và du khách thập phương đã được tham gia phần rước kiệu và dâng hương tại đền Hai Cô theo phong tục, văn hóa của địa phương. Dịp này, người dân các thôn, bản cũng thành tâm sắp lễ, dâng hương tưởng nhớ các vị tướng quân và cầu mong mọi việc gia đình, làng bản đều hanh thông, “thuận buồm, xuôi gió”.

Sau phần lễ phần hội được tổ chức tưng bừng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian như: ném còn bịt mắt bắt vịt, kéo co tạo không khí thi đua vui tươi phấn khởi trong  nhân dân trên địa bàn.

Tác giả bài viết: Minh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây