Ông Nguyễn Văn Bốn, Trưởng thôn kể: Những ngày vừa qua, thôn Mường Kem như có hội. Người chặt tre, người đóng cọc, người xúc đất, tất cả đều khẩn trương lao động với tinh thần cao nhất nên chỉ khoảng 20 ngày, toàn bộ khối lượng công việc khá lớn đã được hoàn thành, tuyến đường hoa đã rõ hình hài. Thời gian tới, bản tiếp tục huy động thêm nhân công sửa sang, trồng và chăm sóc hoa.
Vì thi công tuyến đường hoa phải lấp toàn bộ hệ thống mương thủy lợi hai bên nên Chi hội Phụ nữ bản đang vận động gia đình hội viên hiến đất ruộng để làm mương mới. Dưới trời rét căm căm, nhiều chị em vẫn lội bùn, cặm cụi khơi đất làm mương trên phần ruộng nhà mình. Chị Lương Thị Biển vừa thoăn thoắt đôi tay cuốc đất vừa bảo: Khi được Chi hội Phụ nữ bản tuyên truyền hiến đất làm mương mới để dành đất làm đường hoa, chúng tôi rất phấn khởi và hưởng ứng tích cực. Chỉ thời gian ngắn nữa, khi đường hoa phát triển sẽ mang lại diện mạo mới cho làng quê.
Để lập thành tích thiết thực chào mừng thành công Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ủy và UBND xã Nghĩa Đô đã phát động đến toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tập trung thực hiện các nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo đó, 13/13 thôn thực hiện tuyến đường hoa, riêng tuyến đường của thôn Mường Kem dài 1,4 km, các bản còn lại đều dài 300 m.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Bảo Yên, xã Nghĩa Đô đang chỉ đạo người dân chuyển một phần diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm trong nhà lạnh. Đến nay, đã có khoảng 70 hộ chuyển đổi, trồng gần 100 ha dâu để nuôi tằm, tập trung chủ yếu ở các thôn: Thâm Mạ, Lằng Đát, bản Giàng, Nà Luông... Trong nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng. Xã đã có 17 hộ đăng ký thực hiện, trong tháng 1/2021 sẽ có 5 hộ hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng đón khách du lịch.
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Nguyễn Thị San ở thôn Nà Khương rộng hơn 120 m2 đã được cải tạo, chỉnh trang sạch đẹp để làm dịch vụ homestay. Là người con của dân tộc Tày, cả cuộc đời gắn bó với quê hương nên bà San rất giỏi đan lát, dệt vải và chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc mình.
Vốn văn hóa độc đáo, đặc sắc sẽ là thế mạnh để Nghĩa Đô ghi tên trên bản đồ du lịch trong tỉnh và cả nước. “Đến với Nà Khương nói chung và gia đình tôi nói riêng, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Tày”, bà San bộc bạch.
Mới đây, xã Nghĩa Đô đã thành lập Hợp tác xã bảo tồn và duy trì các nghề truyền thống như đan lát, dệt vải, đồ mộc với 22 thành viên do bà Nguyễn Thị San làm giám đốc. Xã cũng bố trí quỹ đất xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, khu sản xuất để du khách có dịp trải nghiệm quy trình làm ra những sản phẩm độc đáo khi đến du lịch tại địa phương.
Đồng chí Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô cho biết: Nghĩa Đô là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đang tập trung khai thác để trở thành lợi thế phát triển trong giai đoạn tới. Ví như xã phối hợp với ngành chức năng của huyện khảo sát đồn Nghĩa Đô để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo trở thành một trong những điểm đến trong hành trình du lịch cộng đồng của xã và huyện. Đây là công trình có giá trị lịch sử, chứng tích cho tinh thần và truyền thống cách mạng của quân và dân xã Nghĩa Đô...
Chiến thắng đồn Nghĩa Đô - chứng tích của một thời hào hùng của quân và dân Nghĩa Đô.
Phát huy truyền thống cách mạng, những năm sau này, lớp lớp cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Nghĩa Đô ra sức thi đua, lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hiện cơ cấu kinh tế của xã tăng trưởng theo hướng tích cực, trong đó nông lâm nghiệp - thủy sản giảm còn 60%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng lên 15%; dịch vụ - du lịch tăng lên 25%; thu nhập bình quân người dân được cải thiện rõ rệt, năm 2020 đạt 36 triệu đồng; tỷ lệ giảm nghèo hằng năm từ 3 đến 5%, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn hơn 8%.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy xã Nghĩa Đô đã cụ thể hóa nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình cả giai đoạn và hằng năm để triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung khai thác thế mạnh của địa phương phát triển 2 loại cây trồng là quế và dâu tằm, 3 loại con là vịt bầu, lợn đen bản địa, trâu; phát triển du lịch cộng đồng; quy hoạch - quản lý và phát triển quỹ đất phục vụ xây dựng hạ tầng nông thôn. Ngay trong năm 2021, xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao...
Bằng sự trăn trở và những định hướng cụ thể của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cùng với sự đồng thuận cao từ phía Nhân dân, chắc chắn những năm tới, xã Nghĩa Đô sẽ có những bứt phá mạnh mẽ, sớm trở thành xã trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, du lịch cụm phía Đông Bắc huyện Bảo Yên.
Nguồn tin: http://baolaocai.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn