Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên

Men theo hương quế Bảo Yên

Thứ tư - 08/09/2021 06:12
Cuộc sống ngày mai sẽ tiếp nối ngày hôm nay. Đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, những rừng quế tạo ra những giọt tinh dầu quế hương thơm tỏa ra ngào ngạt, dịu nhẹ lay động đến lòng người. Rồi mai đây nhựa quế lại nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết, ý chí, sáng tạo những người như ông Chìa, ông Chức, chị Liên để Bảo Yên mãi tự hào vùng đất xanh, có thương hiệu sản phẩm tinh dầu quế cùng cả nước hội nhập và phát triển
​(Bài dự thi: Viết về những tấm gương sáng tạo điển hình của Lào Cai trong 30 năm tái lập và phát triển (01/10/1991 - 01/10/2021)

Tôi men theo hương quế Bảo Yên vào ngày nắng hạ. Khi cánh đồng lúa ngoài đồng đã ngả màu vàng. Khi tiếng ve kêu râm ran gọi bạn, báo hiệu mùa hè đến. Tiết trời tháng 5 oi bức. Tôi đi nhờ xe anh bạn thân từ thị trấn Phố Ràng vào Trụ sở UBND xã Xuân Hòa. Sáng, một trận mưa dội xuống. Ngỡ tưởng đất đai, cây cỏ sẽ rúc rích vươn dậy. Chẳng may, đi được đoạn đường trời quang, mây tạnh. Càng đi, cái nắng càng gắt gao. Nhưng không vì thế mà chúng tôi lùi bước không đi nữa. Như đã hẹn trước, chúng tôi đến Trụ sở UBND xã gặp và nhờ mục sở thị là anh Hoàng Văn Nhâm - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa dẫn chúng tôi đến thăm một số đồi quế ở bản Vắc, xã Xuân Hòa.

Trên đường đi xe, qua nói chuyện chúng tôi biết được Xuân Hòa là một trong những xã có diện tích trồng quế lớn nhất của huyện Bảo Yên, trên 3.200 ha. Và là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện thực hiện thí điểm mô hình trồng quế gắn với mô hình du lịch sinh thái. Ngồi sau lái, tôi cũng tò mò lắm. Kỳ thực, nhiều năm trước khi còn là chuyên viên tổng hợp Văn phòng UBND huyện, tôi cũng từng nghe nhiều về vùng đất Xuân Hòa, về quế Xuân Hòa nhưng chưa từng có dịp đến thăm Xuân Hòa bằng xúc cảm riêng như hôm nay.

Đường rẽ vào bản Vắc rất thuận tiện, một phần thổ nhưỡng nằm trên trục quốc lộ 279, phần còn lại đi qua đường tỉnh lộ 160. Dẫn tôi vào thăm gia đình có diện tích trồng quế lâu năm nhất ở bản Vắc là ông Nguyễn Xuân Chìa, người nhân giống và là người đầu tiên đưa giống quế từ vùng đất Văn Yên, Yên Bái về trồng từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990.

Bước vào ngõ bê tông, đứng trước ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, tôi ngỡ là khu nhà biệt thự của một đại gia phố núi nào đó. Trước cửa nhà là hệ thống vườn, ao, chuồng, gia trại. Đằng sau nhà là rừng quế chục tuổi, vài năm tuổi được gia đình chăm sóc, làm sạch cỏ, hàng nối tiếp hàng thẳng tít tắp cuối chân trời. Thấy chúng tôi bước vào cổng, ông Chìa cũng đoán được chúng tôi vào nhà chỉ để hỏi thăm cây quế. Có khi trước đoàn chúng tôi, hàng tháng, hàng năm cũng có vài đoàn đến xin viết về cây quế nhà ông.
Ngõ bê tông xi măng đường vào nhà Ông Hoàng Văn Chìa, bản Vắc, Xã Xuân Hòa
(Ảnh: Ngõ bê tông xi măng đường vào nhà Ông Hoàng Văn Chìa, bản Vắc, Xã Xuân Hòa).

Sau những lời chào thân mật, làm quen tôi hỏi: Nhà ta trồng quế lứa này là lứa thứ mấy rồi bác? Ông Chìa tay cầm phích nước pha trà mời chúng tôi, và đáp: Lứa thứ 2 cho bóc vỏ, một số lứa thứ 3 đang cho tỉa cành đấy cháu. Ông cho biết, rời vùng quê đồng bằng theo gia đình lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 1960. Năm 1987, gia đình bắt đầu mua hạt giống quế về gieo ươm và trồng, lúc đầu cũng lặn lội mua giống quế xa dưới mạn Yên Bái. Tôi cũng không ngại hỏi về giá mua hạt giống quế lúc đó. Ông Chìa nói: “Nhà có mụn trâu bán lúc đó được hơn 300 nghìn đồng, cũng chỉ đủ đi bộ vài ngày đường và mua 3 kg hạt quế giống ở Yên Bái về trồng”. Thực lòng thì ngày đó, đường sá đi lại cũng chưa thuận tiện. Muốn đi ra trung tâm huyện, có 02 con  đường, một là đi đường đất mà nay là tỉnh lộ 160 dọc xã Xuân Hòa, qua Làng Là, xã Xuân Thượng, lội vài con suối thì mới ra được trung tâm huyện. Hai là, đi dọc quốc lộ 279 được làm từ thời pháp thuộc, mà quốc lộ ngày đó cũng rải đá nhưng toàn đá hộc to, chưa có cầu treo, chưa có cầu cứng bắc qua Cầu Bắc Cuông như bây giờ, phải đi bè mảng mới qua được sông chảy.

Không mắc bệnh rông dài. Tôi tiếp tục có ý định hỏi về những khó khăn ngày đầu trồng quế. Nghe tôi phác thảo sơ qua về ý tứ gợi hỏi. Ông Chìa, không giấu gì những ngày đầu đưa giống quế vào trồng. Đất đai, những năm đó nhà nước cũng chưa quy hoạch rõ ràng đất của lâm trường, đất rừng 661 như bây giờ, xin chủ trương của xã rồi mình khoanh trồng. Cả làng này không ai dám mạnh dạn đưa giống quế vào trồng, mỗi gia đình và vài ba anh em trồng đầu tiên.  Cũng có một số định kiến nhất định về việc đưa giống cây mới này vào trồng. Một số người thì dèm pha trồng quế vài năm đất sẽ bạc màu, khó cải tạo trồng cây lúa, lúa không lên, trồng cây ngô, ngô không ra bắp. Bà con ở đây chủ yếu người dân tộc Phủ lá, H’mông, Tày họ không có ý định trồng, lại có tập quán thả gia súc lớn phá hoại quanh năm. Có lứa mới trồng, ban đêm gia súc vào phá, dẫm nát, gia đình phải trồng lại. Lúc này, tôi kịp nhớ ra, có lần được nghe đồng bào dân tộc ít người ngày ấy chỉ thích trồng ngô, trồng sắn và lúa nương để ăn theo vụ. Hết vụ lại trồng vụ mới, cứ thế vụ này qua vụ khác, ăn cũng không đủ thì đi đào củ mài, củ nâu về độn cơm. Câu chuyện của chúng tôi, cứ thế tiếp tục bằng ánh mắt thận thiện, lời nói cởi mở của người trồng quế… Ông nhớ nhất, có năm trồng vào mùa hạn toàn bộ cây quế con bị héo rũ. Gia đình đầu tư đi mua ống nước nhựa ngoài thị trấn về dẫn nước từ khe núi Đại Thần để tưới. Mất cả ngày đi ngựa thồ ống dẫn nước, soi đèn pin đi từ 4 giờ sáng, khi về nhà gà cũng đã đi ngủ. Xem ra cái quyết tâm của người trồng quế, đã gắn bó với cây quế hơn 30 năm nay, ở cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” thì việc nặng, việc khó nào cũng làm được, vượt qua gian nan vất vả, cả ngày vật lộn với lau lách, muỗi vắt bám đầy chân với bữa cơm đạm bạc với muối vừng, rau rừng. Nghe ông Chìa nói vậy, tôi thầm nghĩ, có bao nhiêu người ở thời điểm đó được khai sáng sớm như vậy trong khi đất hoang hóa bỏ hoang, rừng cạn kiệt, người dân chỉ bóc ngắn cắn dài, chỉ chực chờ chặt cây ở rừng về bán, chứ mấy đời ai lo trồng rừng, trồng quế đâu. Giờ đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, qua tháng năm những vết chân chim ở đuôi mắt đã lộ rõ và kéo dài hơn mà ông Chìa vẫn cầm dao lên đồi tỉa cành, bóc và trồng hàng chục ha quế chứ ít ỏi gì đâu. Thế hệ trẻ như chúng tôi, những người sinh ra sau đổi mới không khỏi thán phục.

Những lời tâm sự chân thật của ông chìa làm tôi liên tưởng đến kinh tế của Bảo Yên cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, qua một lần đọc “tìm một hướng đi” của một cây bút thế hệ trước viết trong cuốn “Đất và người Bảo Yên”. “Bảo Yên ta là gì? Chè à? Cũng có! Mía à? Cũng có! Cam à? Cũng có! Nguyên liệu sợi giấy à? Cũng có! Rồi là: Lê, táo, mơ, bưởi, hồng, nhãn, chuối, vài thiều? Cái gì huyện ta cũng có. Rồi có cả một số người cho rằng: “Cơ cấu kinh tế Bảo Yên lúc bấy giờ chẳng khác gì chiếc váy đụp” (Trích T.55.Bảo Yên đất và người. Năm 1999). Mới đây, trong một lần nói chuyện với ông Vi Lam Sơn - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên lúc bấy giờ, hiện đang sinh sống tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ông cho biết, điều mà ông và Ban Thường vụ Huyện ủy trăn trở nhất lúc đó làm thế nào xóa được tư tưởng bao cấp của người dân, làm thế nào để người dân có hướng đi mới, thoát cảnh nghèo đói. Trước đây đồng bào chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là chặt, đốt rừng để trồng ngô và cấy lúa nương, năng suất rất thấp nên “con ma đói” hoành hành cuộc sống đồng bào ghê gớm. Khi có Quyết định 327 về chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc của Hội đồng Bộ trưởng, huyện đã tổ chức triển khai đến các xã, dự án cũng tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy công tác trồng rừng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Một số hộ dân ở các xã Xuân Hòa, Lương Sơn, Long Phúc đã có những bàn tay khéo trồng phủ lên những quả đồi trọc bằng hàng chục héc ta cây xanh trong đó có cây quế. Sau nhiều năm triển khai, cùng với công tác khoanh đất, giao đất, khoanh rừng của của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên, nhân dân cũng phấn khởi thực hiện quản lý và trồng cây từ con số hàng trăm héc ta đến hàng nghìn héc ta.

Sinh ra thế hệ sau, nói đến đây, tôi mới được biết chính những cách làm hay, sáng tạo, cùng với bản tính chịu thương, chịu khó, quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương như ông Chìa để rồi hôm nay có bạt ngàn những đồi quế xanh mướt. Chính những cách làm này, là luồng gió thổi mạnh để phong trào trồng rừng, phong trào trồng quế ở đây phát triển, nhiều hộ dân trong bản noi gương, học tập và làm theo.

Rời nhà Ông Chìa, tôi đến thăm đồi quế của gia đình ông Hoàng Văn Chức, cũng ở Bản Vắc, xã Xuân Hòa. Không khỏi ngỡ ngàng, đi thăm đồi quế mà ô tô chúng tôi bon bon chạy trên đường bê tông xi măng sạch sẽ, hai bên đường là đồi quế, chạy dài hàng km. Con đường uốn lượn quanh những quả đồi bát úp làm anh bạn trong đoàn cảm thấy thích thú. May thay, đoàn đến nơi gặp vợ chồng ông Chức, bà Chương đang phát cỏ, tỉa lứa quế vài năm tuổi. Những hàng quế mọc dày, đều thẳng tắp, cây nào cũng tranh nhau vươn lấy ánh sáng, như thể biết lối báo đáp lòng mong mỏi của chủ nhân. Xe dừng ở lưng đồi. Tôi nhanh nhẹn, bước xuống xe. Và sau những lời hỏi thăm.
- Chúng cháu đi thăm đồi quế nhà Bác mà cứ như đi thăm khu du lịch sinh thái vậy ạ ?
- “Ôi từ năm 2016 trở lại đây thôi cháu, chứ trước chưa mở đường, mấy đồi này là đồi cây, đồi quế cũng khó đi lắm”. Người đàn ông tay cầm con dao quắm, gấu quần xắn móng lợn vừa đi phía trước vừa trả lời tôi như vậy. Đó là ông Chức. Người đàn ông dân tộc Tày, cũng vượt qua mọi định kiến, phản đối của các cụ năm xưa. Chàng thanh niên đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 0,5 héc ta cây mơ lông, mơ lai sang trồng quế. Năm 1991, cùng quyết tâm của vợ, ban đầu gia đình trồng vài nghìn cây, sau đó 1 héc ta và dần dần mỗi năm trồng gối đến nay vài chục héc ta. Theo lời kể, vợ chồng ông cũng tìm hiểu nhân hạt giống, đóng bầu cây, lúc đầu chưa có kinh nghiệm, sách báo, thông tin trên ti vi, mạng internet cũng chưa phổ biến như bây giờ. Thậm chí ngày đó còn chưa có điện lưới quốc gia chạy qua bản. Vợ chồng ông cũng loay hoay tự trồng, tự tìm hiểu. Cũng chật vật nhà có hai vợ chồng trẻ, nhà lại thêm nhiều miệng ăn, đóng bầu cây ở vườn nhà, đến khi đủ ngày mang đi trồng phải gánh, gùi lên đồi cả cây số.
-  “Ngày đó, tôi gánh mà rách hết cả chục đôi sọt nan đấy cô”.
Tôi thầm nghĩ, để có 10 ha quế lớn và cho khai thác, tỉa cành như bây giờ cũng không phải tự nhiên mà có. Sau đó, ông Chức dẫn chúng tôi đi thăm khoảnh đồi đang khai thác bên cạnh, ngổn ngang những cây quế chặt hạ nằm ngang, dọc.
- “Do không biết quy trình, kỹ thuật bóc và cách phơi, nhiều mẻ quế bị mốc nên bán không được giá. Mãi sau này mới biết, khai thác quế cũng phải theo mùa trong năm”. “Trước thì thương lái không thu mua lá, cành nên bóc mỗi vỏ tươi phơi khô mới bán. Tầm chục năm nay mới tận thu mua hết cành, lá nên gia đình cũng có dư giả”.

Đúng là nghề rừng, trồng được đã đành. Trồng cho thu hoạch cũng cần nhiều nhà liên kết thì mới tiêu thụ được. Ông Chức cũng có thời gian khó khăn, vất vả để từ những quả đồi trọc khô cằn, gia đình ông đã phủ xanh bằng những cây quế khỏe mạnh như bây giờ.
Ông Hoàng Văn Chức bên rừng quế của gia đình, bản Vắc
(Ảnh: Ông Hoàng Văn Chức bên rừng quế của gia đình, bản Vắc, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên).

Chúng tôi rời xã Xuân Hòa, đến thăm cơ sở sản xuất tinh dầu quế ở xã Vĩnh Yên. Bước vào cơ sở sản xuất, mùi hương quế như tỏa khắp một vùng làng quê. Mùi hương quế đánh thức khứu giác và gợi tôi ký ức. Nhớ về một thời xa vắng gom góp từng vung nồi hỏng, chiếc dép đứt quai để đổi cho người thu mua đồng nát lấy mẩu quế cay, ngọt, thơm nồng. Nhớ về cái cảm giác tiết trời se lạnh được hít hà mùi thơm dịu nhẹ của lá, vỏ quế sau những giờ tan học cùng đám bạn đi nhặt trộm cây quế cổ thụ của bà cụ trong làng về đổi cục phấn trắng viết bảng con. Tất cả những ký ức đó cứ ùa về, không phai nhạt trong tôi.

Gặp Chị Lò Thị Liên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên. Người mà được Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao bằng khen tại Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, giai đoạn 2018 - 2020. Cơ sở sản xuất của chị Liên chuyên sản xuất tinh dầu sả và tinh dầu quế cung cấp cho thị trường trong nước. Người phụ nữ Tày có dáng người nhỏ bé, thế nhưng, khi nói chuyện với chúng tôi về sản phẩm tinh dầu quế, ánh mắt chị toát lên sự nhiệt huyết và đam mê: “Chả giấu gì các anh, các chị cơ sở đi vào hoạt động từ năm 2020, từ khi sản xuất trưng cất tinh dầu quế cũng được trên 400 lít tinh dầu quế”. “Hiện tại, mình chỉ mong muốn làm thế nào để đưa sản phẩm tinh dầu quế trở thành sản phẩm thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, giúp người dân yên tâm về đầu ra cho cây quế”. Mặt trời cũng đã đứng bóng, cái nắng oi bức cùng với mùi thơm của tinh dầu quế càng làm chúng tôi trở nên ấm nóng hơn. Sau đó, Chị Liên dẫn chúng tôi vào khu chưng cất, tặng mỗi người trong đoàn vài lọ tinh dầu quế, lọ thủy tinh nhỏ xinh, mỗi lọ là 20ml, có nắp vặt chặt giống như lọ serum dưỡng da cao cấp vậy đó.
Chị Lò Thị Liên Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên bên dây chuyền chưng cất tinh dầu quế
(Ảnh : Chị Lò Thị Liên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên đang chưng cất tinh dầu quế).

Chị liên chia sẻ thêm: để sản xuất ra sản phẩm tinh dầu quế nguyên chất phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ngay sau khi thu mua cành, lá, ngọn quế từ người dân, các nguyên liệu sẽ được băm nhỏ và được đưa vào hệ thống nồi hơi. Bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước hiện đại, tinh dầu quế sẽ ít bị nhiễm tạp chất và có độ tinh khiết, đạt chất lượng cao. Tinh dầu quế nguyên chất có tính nóng, có khả năng khử trùng và sát khuẩn tốt. Không chỉ vậy, tinh dầu quế còn đặc biệt tốt cho lưu thông máu. Chỉ cần kết hợp vài giọt tinh dầu vào chậu nước ấm, ngâm khoảng 15 phút sẽ giúp bàn chân cực kỳ thoải mái, mềm mại. Các bà nội trợ cũng rất ưa chuộng sản phẩm này vì chúng có nguồn gốc thiên nhiên, có khả năng khử mùi mạnh, rất hiệu quả trong việc vệ sinh sàn nhà, trong bếp, đồ gỗ…”. Vậy là, từ sáng sớm chúng tôi đã men theo hương quế từ thị trấn Phố Ràng, qua bản Vắc xã Xuân Hòa rồi đến thăm cơ sở sản xuất tinh dầu quế của chị Liên ở xã Vĩnh Yên. Trên xe trở về nhà, tinh dầu quế được chị Liên tặng, chúng tôi treo ở gương chiếu hậu chính giữa xe. Mùi thơm của hương quế cộng với bản nhạc ballad cất lên, cảm nhận trong tôi dịu dàng như chưa bao giờ có được.
 
Chị Lò Thị Liên Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên bên sản phẩm tinh dầu quế
(Ảnh : Chị Lò Thị Liên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên bên sản phẩm tinh dầu quế).

Trở về trung tâm huyện, chúng tôi vinh dự được gặp đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Anh Chuyên, đồng chí cho biết: Phong trào trồng quế không chỉ riêng 2 xã Xuân Hòa và Vĩnh Yên mà hầu hết người dân các xã đều hăng hái tích cực trồng, đang tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong toàn huyện. Trong những nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Bảo Yên đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chính sách để tận dụng tối đa lợi thế từ việc trồng quế, đồng thời chỉ đạo các ngành tham mưu có cơ chế khuyến khích người dân đầu tư, phát triển trồng quế, tạo ra sản phẩm từ quế. Với quyết sách đúng đắn, diện tích trồng quế toàn huyện tăng lên rõ rệt, từ 12.000 ha năm 2016 lên 21.000 ha năm 2021. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ giống cây trồng này, huyện Bảo Yên đã liên kết để hình thành các cơ sở chế biến, chiết xuất tinh dầu quế tại chỗ với 03 nhà máy, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và phân phối ra các vùng phụ cận.
 
Một góc rừng quế xã Xuân Hòa, nhìn từ trên cao
(Ảnh : Một góc rừng quế xã Xuân Hòa, nhìn từ trên cao).

Vâng, với những bước đi chắc chắn, phù hợp, những sản phẩm quế đang góp phần làm tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của huyện Bảo Yên đạt bình quân 600 tỷ đồng/năm; góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện trên 13%/năm; đem lại thu nhập người dân cao gấp 2 lần (39 triệu/người/năm) và đưa tỷ lệ giảm nghèo từ 31,34%/năm xuống còn 10,89%/năm. Có được kết quả này, cùng với nỗ lực của người dân là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện trong việc triển khai thực hiện nghị quyết, các chương trình, đề án phát triển lâm nghiệp tỉnh Lào Cai trong những nhiệm kỳ qua. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành tựu trên lĩnh vực trồng quế và tạo ra sản phẩm từ quế mà huyện Bảo Yên đạt được đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sự vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương của Đảng bộ, chính quyền huyện Bảo Yên là sáng tạo, là phù hợp. Đây là động lực, là cơ sở vững chắc để huyện Bảo Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025. Những đổi thay diện mạo của huyện Bảo Yên là đóng góp cùng tỉnh Lào Cai xây dựng, phát triển trong 30 năm qua. Vững tin tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc trong thời kỳ mới.

Cuộc sống ngày mai sẽ tiếp nối ngày hôm nay. Đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, những rừng quế tạo ra những giọt tinh dầu quế hương thơm tỏa ra ngào ngạt, dịu nhẹ lay động đến lòng người. Rồi mai đây nhựa quế lại nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết, ý chí, sáng tạo những người như ông Chìa, ông Chức, chị Liên để Bảo Yên mãi tự hào vùng đất xanh, có thương hiệu sản phẩm tinh dầu quế cùng cả nước hội nhập và phát triển./. ​

 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tố Hữu (Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây