Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên

Độc đáo Lễ cúng rừng của đồng bào dân tộc Mông thôn Tổng Kim, xã Vĩnh Yên

Thứ sáu - 28/02/2025 22:37
Trong hai ngày 27 và 28/02/2025, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên phối hợp với UBND xã Vĩnh Yên tổ chức Lễ hội cúng của đồng bào dân tộc Mông thôn Tổng Kim. Dự lễ hội có lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Hạt Kiểm lâm huyện; Đảng ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ và các đoàn thể xã Vĩnh Yên, cùng người dân thôn Tổng Kim.

Đồng bào dân tộc Mông ở thôn Tổng Kim, Vĩnh Yên vốn được biết đến bởi sự chăm chỉ tần tảo bên lưng núi, sườn đồi cùng với những nét văn hóa đặc sắc như ngôn ngữ, chữ viết, những bộ trang phục truyền thống đủ màu sắc, các phụ kiện xúng xính vui tai; tiếng khèn, tiếng sáo vang vọng,…và cùng với đó là lễ cúng rừng truyền thống được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới. Trong suốt hơn 40 năm di cư và sinh sống tại Tổng Kim, người Mông Vĩnh Yên đã luôn duy trì và tổ chức lễ cúng rừng, điều đó thể hiện sự độc đáo và quan trọng của nghi lễ truyền thống này đối với cộng đồng dân cư.

Từ năm 1979, người Mông di cư từ Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai) và huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang đến Vĩnh Yên khai hoang, hình thành các điểm, nhóm dân cư thưa thớt. Đến nay, dân tộc Mông ở xã Vĩnh Yên đã có tới 250 hộ, 1.490 khẩu sống tập trung ở các khu dân cư: Nặm Xoong, Khuổi Phéc, Tổng Kim, Lò Vôi, Lùng Ác, Nặm Bó, Co Mặn. Với đặc tính sống tại những vùng núi cao, đầu nguồn nước, dựa vào rừng để tồn tại và phát triển. Nhờ có rừng mà người dân có thể khai thác các tài nguyên, chống lũ lụt, sói mòn,…Và cũng nhờ có nước mà người dân có nước sinh hoạt, nước phục vụ tưới tiêu, chăn nuôi,… Thần rừng được coi là một vị thần rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông ở thôn Tổng Kim. Họ quan niệm “vạn vật hữu linh” tức là tất cả các loài vật đều có linh hồn, quan niệm về tín ngưỡng “đa thần” tức là có nhiều thần linh trong cuộc sống người Mông, trong đó có thần rừng. Rừng chính là nơi vừa nuôi dưỡng, vừa lại là nơi bảo vệ đồng bào dân tộc Mông qua nhiều tháng năm.

Đã thành thông lệ, cứ vào khoảng giữa tháng Giêng, trưởng thôn sẽ tới nhà thầy cúng để nhờ thầy xem ngày. Thầy cúng sẽ chọn 01 trong các ngày 28, 29, 30, 31 tháng Giêng, mùng 1, mùng 2 tháng Hai âm lịch để tổ chức lễ cùng rừng.

Trong những ngày này, họ ưu tiên lựa chọn ngày Thìn. Chẳng hạn như dù muộn nhưng nếu ngày mùng 2 tháng 2 âm là ngày Thìn thì họ sẽ tổ chức vào ngày này. Bởi đối với người Mông ngày Thìn tức ngày con rồng là ngày hay mưa, con rồng biết phun nước làm trời mưa, trời mưa cây trồng mới tươi tốt, mùa màng cây trồng có đủ nước sẽ cho năng suất cao. Ngày Thìn cũng là ngày cứng, ngày khỏe, khi cúng, thầy cúng khấn mời ông Thần rồng phun nước tưới tiêu cho mùa màng. Sau khi thống nhất được ngày cúng rừng, một cuộc họp nhỏ sẽ được diễn ra với các thành phần như: thầy cúng, trưởng thôn, đại diện khu dân cư (thường là những người cao tuổi) và 02 người dân được giao trách nghiệm bảo vệ rừng của năm ngoái.

Lễ cúng thần rừng đầu nguồn được thực hiện tại khu rừng có địa thế đẹp nhất, nơi đây hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng thần rừng và là nơi có cây cổ thụ lớn nhất, đảm bảo sự thanh tịnh cho quá trình hành lễ. Theo phong tục, lễ cúng thần rừng có sự góp sức của cộng đồng, vì vậy, khi diễn ra buổi lễ, mỗi gia đình cùng đóng góp lễ vật đem tới ven rừng làm lễ. Lễ cúng mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức rước lễ được thực hiện trong không khí trang nghiêm, mang ý nghĩa thiêng liêng với ngụ ý báo cáo với thần rừng và đất trời chứng giám cho việc người dân trong thôn tổ chức Tết rừng. Lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản... Nghi lễ cúng thần rừng đầu nguồn gồm hai phần: Cúng sống (hay còn gọi là hiến sinh) và cúng chín. Thầy cúng trong nghi lễ là người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng, được người dân bản làng nể trọng, có vai trò dẫn dắt điều hành buổi lễ. Đến giờ lành, thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương và khấn mời thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, bảo vệ tất cả mọi người già, trẻ em mạnh khoẻ, không có ốm đau, bệnh tật; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu...
anh tin bai

anh tin bai

Nghi thức dâng lễ sống

anh tin bai

Nghi thức dâng lễ chín

Sau khi thực hiện xong phần lễ cúng, người dân trong thôn cùng hỗ trợ nhau chế biến các đồ lễ để dâng lên thần linh và chế biến các món ăn cho khu dân cư cùng ăn.

Ngay sau đó, người bảo vệ rừng sẽ mang mâm lễ xuống phía dưới để giao cho những người đảm nhiệm bữa ăn hôm nay. Song, họ giữ lại 2 đôi chân gà và đưa cho thầy cúng. Lúc này, nghi thức xem chân gà được bắt đầu. Thầy cúng và những bậc cao niên sẽ tìm lỗ ở xương chân gà, sau đó dùng tăm xiên vào lỗ ở ống chân gà, gõ gõ cho chiếc tăm cắm chắc vào xương chân gà. Mỗi chân gà có thể có 1, 2 hoặc thậm trí là 3 lỗ, việc cắm tăm vào lỗ được thực hiện một cách cẩn thận, thuận theo hướng của lỗ.

anh tin bai

Nghi thức xem chân gà tại lễ cúng rừng

Sau khi thống nhất được ý kiến của thầy cúng và các bậc cao niên, thầy cúng (hoặc trưởng thôn) sẽ tập hợp mọi người lại để thông báo về kết quả xem chân gà. Khi đã truyền đạt được các thông tin, thống nhất các nội dung của hương ước bảo vệ rừng. Toàn thể đồng bào dân tộc Mông sẽ ngồi quây quần lại với nhau để ăn uống tại ngay dưới tán cây rừng cổ thụ, khu vực rừng cấm. Món ăn được chế biến trong ngày lễ hội có thịt gà luộc, thịt lợn xào, canh đậu tương, mèn mén và đặc biệt là không thể thiếu chút rượu ngô, ớt cay để giúp người trở nên ấm áp hơn trong tiết trời tháng Giêng. Bữa cơm ở dưới tán rừng ngay sau khi cúng rừng xong không chỉ là một bữa ăn đơn thuần khi kết thúc một hoạt động tập thể mà nó còn là tính chất cố kết cộng đồng ngày càng chặt chẽ hơn, là cơ hội để anh em trong khu dân cư được quan tâm, chia sẻ những câu chuyện đời thường từ đó nương tựa, giúp đỡ nhau.

anh tin bai

Lễ cúng rừng của đồng bào Mông thôn Tổng Kim, xã Vĩnh Yên

Lễ hội cúng rừng thôn Tổng Kim, xã Vĩnh Yên nhằm mục đích cầu thần giữ gìn để những cánh rừng sinh sôi nảy nở, đảm bảo được cả nguồn nước dồi dào giúp nuôi sống con người, thổ địa phù hộ cho dân làng được mưa thuận, gió hòa, giặc không phá, thú dữ lùi xa, nuôi vật được thịnh, cây trồng được quả, bội thu, dân được bình yên, bệnh dịch lùi xa, nhà nhà no ấm, thuận hòa, bình an, muôn dân hạnh phúc và cũng là ngày bà con nhân dân dâng hương, dâng lễ cảm tạ công đức của các vị Thần rừng, thần núi và những vị anh hùng đồng bào dân tộc Mông. Lễ cúng thần rừng có hai giá trị khác nhau, đó là giá trị tinh thần và giá trị giáo dục, phổ biến các quy định, hương của của tộc người và của thôn bản.

anh tin bai

Đại biểu dự lễ hội

anh tin bai

Ông Hoàng Kim Tân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên phát biểu khai mạc lễ cúng rừng thôn Tổng Kim

Năm 2025, lễ cúng thần rừng của dân tộc Mông ở thôn Tổng Kim đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, UBND xã Vĩnh Yên cùng tổ chức với dân bản. Chính vì vậy buổi lễ năm nay được tổ chức quy mô hơn mọi năm với phần hội đặc sắc, thu hút rất đông, đồng bào trong xã và các vùng lân cận đến tham gia. Từ chiều hôm trước đã diễn ra phần thi đánh quay – một trò chơi dân gian đặc trưng của người dân tộc Mông và phần thi kéo co, đẩy gậy truyền thống cũng được diễn ra với nội dung đẩy gậy nữ, đẩy gậy nam. Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội cúng rừng cũng được tổ chức vào tối hôm trước, thu hút đông đảo người dân tham gia.

anh tin bai

Thi kéo co tại lễ hội 

anh tin bai

Thi đẩy gậy

anh tin bai

Thi đánh quay tại lễ hội

anh tin bai

Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội 

Trong quý IV năm 2024, quý I năm 2025 Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên cùng UBND xã Vĩnh Yên đã tích cực triển khai các chương trình, đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội cúng rừng của đồng bào dân tộc Mông. Đây là một phần trong Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025.

 

Lễ hội cúng rừng của đồng bào dân tộc Mông ở thôn Tổng Kim, xã Vĩnh Yên được tổ chức không chỉ mang tính cộng đồng một khu dân cư, đại diện cho các hộ gia đình mà còn thể hiện tính nhất quán trong văn hóa của đồng bào dân tộc Mông cả nước. Đây là dịp để các thành viên trong cộng đồng dân cư cùng ngồi lại với nhau để hàn gắn thêm tinh thần đoàn kết, xóa bỏ những hiềm khích trong một năm đã qua. Đồng thời, thông qua việc thảo luận, thống nhất các hương ước, quy ước về bảo vệ rừng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, từ đó nâng tầm thành trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bảo vệ môi trường sống Qua đó, khơi dậy và hun đúc cho mỗi người dân tình yêu, niềm tự hào của mình về văn hóa của tộc người, gắn với đó là khát khao được xây dựng và phát triển quê hương thêm giàu đẹp, văn minh và bản sắc. 

Tác giả bài viết: Trọng Điểm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây