Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông Bảo Yên

https://truyenhinhbaoyen.vn


Hội thảo khoa học hoàn thiện hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Đền Làng Lúc

THBY - Vừa qua, UBND huyện Bảo Yên phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo khoa học hoàn thiện hồ sơ di tích lịch sử văn hóa Đền Làng Lúc tại bản Lúc xã Bảo Hà. Đồng chí Trần Sơn Bình - Phó Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh, đồng chí Nguyễn Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì buổi hội thảo. Tham dự buổi hội thảo có lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của Sở văn hóa thể thao và du lịch, lãnh đạo phòng Văn hóa - Thông tin, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Kinh tế - Hạ tầng, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các ban ngành đoàn thể xã, các Cụ cao niên, đại diện ông, bà nơi có di tích Đền Làng Lúc, xã Bảo Hà.

Trước khi Hội thảo, đoàn đã đến thực địa bản Lúc khảo sát khu vực Đền để có kế hoạch bổ sung, quy hoạch không gian phát triển, xây dựng, trùng tu, tôn tạo Đền Làng Lúc, xã Bảo Hà. Đền Làng Lúc đã được Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND xã Bảo Hà thực hiện 04 đợt khảo sát, bắt đầu từ tháng 10 năm 2020 để thu thập thông tin, bằng chứng về nguồn gốc lịch sử, nhân vật được thờ, lịch sử hình thành phát triển di tích. Tổ chức 03 cuộc thảo luận với các cụ cao niên trong làng, cùng tham gia đóng góp ý kiến đưa ra nhiều chứng cứ nguồn gốc lịch sử.  Đền Làng Lúc được khởi dựng để thờ ba vị tướng của quan Hoàng Bảy đã cố công đánh giặc phương bắc, khai ấp, lập làng dạy nhân dân bản Lúc làm ăn phát triển kinh tế, cung cấp quân lương cho tướng Hoàng Bảy vào thời kỳ nhà Lê ở thế kỷ XVIII và được nhân dân tôn là Thành Hoàng Làng. Truyền thuyết kể rằng trong số quân lính của tướng Hoàng Bảy có ba anh em họ Hoàng sau nhiều lần theo tướng Hoàng Bảy đánh giặc, tạm thời dẹp yên được bờ cói phía Bắc ba ông xin lệ tướng Hoàng Bảy đi tìm vùng đất mới để khai khẩn ruộng nương, lập làng, lập bản. Sau nhiều ngày băng rừng, vượt suối ba anh em họ Hoàng đi đến vùng đất thuộc bản Lúc ngày nay, thấy nơi đây đất đai mầu mỡ, phong cảnh hữu tình, có suối nước chảy, đất bãi rộng có thể khai phá ruộng đồng, ba ông đã quyết định dừng chân tại đây để cùng nhau khai phá ruộng đồng, chiêu tụ người Tày, người Dao từ những vùng lân cận về đây hội tụ lập làng, khai khẩn đất đai, tăng gia sản xuất cung cấp quân lương cho quân đội tướng Hoàng Bảy. Sau nhiều năm cùng đồng bào người Tày, người Dao khai khẩn đất đai lập lên làng, bản. Ba anh em họ Hoàng cùng người dân khai phá được 04 cánh đồng lớn đặt tên là Cốc Tràm, Tàng Luông, Nà Kê, Cốc Tún, khi đã lập được làng, bản ba ông họ Hoàng đã tâm huyết dạy dân trồng lúa, sản xuất lương thực phục vụ cho đời sống hàng ngày của nhân dân và chi viện cho quân sỹ của tướng Hoàng Bảy thêm hùng mạnh tiếp tục đánh đuổi giặc phương Bắc ra khỏi bờ cõi của nước ta. Sau khi mất đi để tỏ lòng tôn kính với công lao to lớn của ba vị tướng họ Hoàng nhân dân bản Lúc đã tôn các ông là Thành Hoàng Làng và lập một  ngôi miếu thờ ông tại vị trí giữa làng. Miếu thờ được dựng cạnh cây Đa to có dòng suối mát chạy quanh năm, phía trước là cánh đồng Tàng Luông mầu mỡ, hàng năm nhân dân làng Lúc lấy ngày mùng bảy tháng giêng là ngày giỗ của ba ông và cũng là ngày mở hội xuống đồng của dân làng bắt đầu cho một mùa vụ mới.

quang canh hoi thao 2
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo đồng chí Trần Sơn Bình - Phó Giám đốc Sở văn hóa và du lịch tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, thực hiện tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh, Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh trong công tác lập hồ sơ, khoanh vùng, cắm mốc tu bổ, tôn tạo, đề suất các phương án khai thác, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện. Hiện nay, Bảo Yên là địa phương dẫn đầu của tỉnh trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích đã được phục hồi và công nhận. Đồng thời đồng chí Phó Giám đốc Sở Văn hóa và du lịch tỉnh cũng yêu cầu, các cơ quan chuyên môn cần báo cáo làm rõ, thông qua việc xác lập hồ sơ, lý lịch di tích và căn cứ đối chiếu các quy định tại Thông tư số 09, của Bộ văn hóa thể thao và du lịch. Các đại biểu, các cụ cao niên tập trung thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến để làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa và giá trị thực tiến khai thác, phát triển di tích, phương hướng bảo tồn khai thác giá trị di tích sau khi được công nhận. Tiếp tục tham mưu các trình tự, thủ tục để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh.   

Tại buổi hội thảo các cụ cao niên có nhiều năm sinh sống tại bản Lúc đã có nhiều ý kiến, trao đổi, tham gia đóng góp quan trọng cũng như đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết cho buổi hội thảo, nhằm khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Đền Làng Lúc. Thống nhất đặt tên là Đền Làng Lúc và mong muốn Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh sớm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. 

Kết luận buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá đây là buổi hội thảo có chất lượng, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các cụ cao niên cũng như ông, bà sống tại bản Lúc. Đồng thời đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cũng mong muốn Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh, các phòng ban chuyên môn của huyện thường xuyên tham mưu, đề xuất với tỉnh để hoàn thiện các thủ tục cần thiết đảm bảo hồ sơ đúng theo quy định. Xã Bảo Hà cần định hướng thật tốt để quản lý di tích, bảo vệ di tích theo bản đồ đã khoanh vùng, đảm bảo đúng phần diện tích đang quản lý để trùng tu, tôn tạo di tích./.        

Tác giả bài viết: Hoàng Huy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây