Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông Bảo Yên

https://truyenhinhbaoyen.vn


Bảo Yên tái cơ cấu nông nghiệp để tạo bước đột phá

Sau 4 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp để nâng cao thu nhập cho Nhân dân giai đoạn 2016 - 2020”, huyện Bảo Yên đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tái cơ cấu từ vùng sản xuất

Là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, trong xây dựng đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp huyện Bảo Yên xác định các vùng sản xuất trọng điểm và lựa chọn cây, con giống chủ lực là trọng tâm. Trong đó, xác định 6 loại cây trồng chủ lực (chè, quế, dâu tằm, sả, hồng không hạt, chanh leo); 3 loại vật nuôi chủ lực (trâu, gà đồi, vịt bầu) và trồng rừng kinh tế để ưu tiên đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đồng loạt triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phù hợp với lợi thế của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

nn1
Nông dân xã Điện Quan chăm sóc cây chanh leo.

Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình trồng chanh leo của gia đình, ông Triệu Văn Nhỉnh (thôn Bản 2, xã Điện Quan) cho biết: Năm 2019, gia đình tôi chuyển đổi khu đồi hơn 3.000 m2 trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo. Qua hơn 1 năm, vườn chanh leo phát triển tốt, cho năng suất cao, mang lại thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm, cao gấp 2 lần trồng sắn. Để có mô hình chanh leo như hiện nay, ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (gần 30 triệu đồng) và doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật, gia đình đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới nước và giàn leo.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Điện Quan cho biết: Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp để nâng cao thu nhập cho Nhân dân giai đoạn 2016 - 2020”, UBND xã đã rà soát, phân loại đất và xây dựng kế hoạch vận động người dân thực hiện, đồng thời đề xuất với huyện hỗ trợ nguồn lực triển khai. Từ năm 2017 đến nay, xã đã xây dựng được các mô hình trồng chanh leo (10 ha), 15 trang trại nuôi gà đồi (150.000 con/năm) và hàng trăm mô hình trồng quế (hơn 1.000 ha).

Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện Bảo Yên, sau 4 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã dần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhiều vùng sản xuất đặc trưng của địa phương được hình thành, như mô hình cây hồng không hạt (hơn 320 ha) tại các xã Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn, Minh Tân; mô hình trồng chuối ngự (hơn 60 ha) tại xã Cam Cọn và xã Bảo Hà; mô hình trồng chanh leo (60 ha) tại các xã Điện Quan, Thượng Hà, Phúc Khánh, Kim Sơn, Vĩnh Yên; trồng quế (20.200 ha) và trồng sả (210 ha) tại các xã Vĩnh Yên, Xuân Hòa, Xuân Thượng...; mô hình nuôi vịt bầu (hơn 80.000 con) ở xã Nghĩa Đô, xã Vĩnh Yên...

Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Khâu tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ở Bảo Yên còn gặp nhiều khó khăn, do đó ngành nông nghiệp huyện Bảo Yên xác định việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cũng nhờ đó mà nhận thức của người dân dần được nâng cao, nông nghiệp từng bước được cơ giới hóa, góp phần giảm chi phí và tăng năng suất lao động.

Đến cuối năm 2020, huyện Bảo Yên có 19 hợp tác xã, 44 gia trại, trang trại có liên kết với các doanh nghiệp và hộ dân, đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt liên kết với người dân trồng hơn 290 ha dâu nuôi tằm; Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất liên kết trồng hồng không hạt tại xã Bảo Hà. Huyện có 5 sản phẩm đã được công nhận đạt 4 sao cấp tỉnh (mật ong, sữa ong chúa của Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân; chè Ô long Bảo Yên của Công ty TNHH Chè Đại Hưng; tinh dầu sả, tinh dầu quế của Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Yên); 6 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh (phấn hoa của Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân; chè xanh của Công ty TNHH Chè Đại Hưng; thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã Hòa Tân, xã Minh Tân; hồng không hạt Bảo Hà của Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất; ếch sấy của Hợp tác xã Thanh Sơn, xã Xuân Thượng; gạo Séng cù của Hợp tác xã Lương Hải, xã Lương Sơn).

 
nn2
Người dân xã Xuân Thượng thu hoạch chè.

Ngoài các hợp tác xã, gia trại liên kết với doanh nghiệp, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm hộ ở các xã liên kết với doanh nghiệp đầu tư trồng quế, sả, chè, chanh leo, rau, củ, quả các loại để xuất khẩu, qua đó mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Điển hình như mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm tại các xã Việt Tiến, Minh Tân, Xuân Thượng, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô thu hút được hơn 600 hộ tham gia trồng hơn 290 ha dâu, trong đó diện tích cho thu hoạch lấy lá là 240 ha. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nông Văn Sỹ (thôn Già Thượng, xã Việt Tiến) cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 0,3 ha dâu nuôi tằm, được Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ gần 20 triệu đồng mua phân bón và cây, con giống, hỗ trợ kỹ thuật. Trồng dâu tằm đến thời điểm này có hiệu quả kinh tế nhất so với trồng cây khác. Trồng dâu chỉ 7 tháng là được thu hoạch lá để nuôi tằm. Nghề này có thể huy động được nhân lực ở mọi lứa tuổi tham gia sản xuất, mang lại thu nhập ổn định. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng từ bán kén tằm.

Ông Đỗ Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt cho biết: Việc liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp vì người dân có đất, có nhân lực, khi liên kết với doanh nghiệp họ sẽ được đầu tư vốn, chuyển giao kỹ thuật, bố trí mùa vụ sản xuất hợp lý. Đặc biệt, việc liên kết sẽ giúp chuyển đổi từ một nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hà Văn Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Sau hơn 4 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho thấy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển dịch rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác năm 2020 đạt 75 triệu đồng, tăng 28 triệu đồng so với năm 2015.

Trong giai đoạn tới, huyện Bảo Yên sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, hiệu quả, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Bảo Yên sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.

Nguồn tin: Báo Lào Cai điện tử

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây