Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông Bảo Yên

https://truyenhinhbaoyen.vn


Hội thảo phát triển du lịch tâm linh kết nối các di tích lịch sử văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế

THBY - Chiều 12/8, UBND huyện Bảo Yên tổ chức Hội thảo Phát triển du lịch tâm linh kết nối các di tích lịch sử văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của địa phương. Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Anh Chuyên - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Tô ngọc Liễn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Trần Sơn Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch, đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch hiệp hội du lịch, đồng chí Nguyễn Đình Chiểu - Phó giám đốc Trung tâm thông tin và Xúc tiến du lịch; lãnh đạo các Phòng Ban thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, lãnh đạo UBND các Văn Bàn, thành phố Lào Cai; huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình); Ban Quản lý di tích một số đền ở thành phố Lào Cai, huyện Văn Bàn và thị xã Sa Pa, Đền mẫu Âu Cơ Hạ Hòa Phú Thọ, Đền Đồng Bằng Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình, lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn của huyện….

 

Quang cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được thông qua về tình hình phát triển du lịch của Bảo Yên trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng từ các di tích lịch sử văn hóa, nhằm phát triển du lịch tâm linh, thúc đẩy phát triển kinh tế. 

DL
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Nguyễn Anh Chuyên phát biểu tại buổi Hội thảo.

Bảo Yên là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, thể hiện ở bề dày văn hóa với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Trên địa bàn huyện hiện có 11 di tích, danh thắng (trong đó: 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, 8 di tích, danh thắng cấp tỉnh) và 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 điểm du lịch cấp tỉnh. Đặc biệt, huyện có quần thể di tích Đền Bảo Hà đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo khang trang. Hằng năm hút hàng triệu du khách đến tham quan, chiêm bái. Năm 2019, huyện Bảo Yên đón trên 1,2 triệu lượt, doanh thu gần 1.000 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới. Trong 7 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến với Bảo Yên đạt trên 700 ngàn lượt.

Đại biểu thành phố Lào Cai phát biểu tại buổi Hội thảo
Đại biểu phát biểu tại buổi Hội thảo
Đại biểu phát biểu tại buổi Hội thảo.
 

Trên cơ sở xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đang khởi động một giai đoạn mới với quyết tâm cao và khát vọng bứt phá mạnh mẽ, phấn đấu đưa Bảo Yên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Để thực hiện được mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Yên khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 4 lĩnh vực đột phá, trong đó có nội dung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

 Phát triển du lịch tâm linh huyện Bảo Yên từng bước trở thành trung tâm của du lịch tâm linh của khu vực Tây Bắc và cả nước; gắn kết phát triển du lịch tâm linh với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là thế mạnh của tỉnh, của huyện như: Du lịch sử, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, du lịch văn hóa, lễ hội; phát triển du lịch tâm linh gắn liền với việc quảng bá hình ảnh miền đất, văn hóa, truyền thống, con người Bảo Yên; giải quyết việc làm, xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ của huyện có uy tín và tính cạnh tranh trên thị trường; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Bảo Yên phấn đấu đến năm 2025: Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt 2,5 triệu lượt người. Doanh thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hiệp hội du lịch tỉnh phát biểu ý kiến.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong việc xây dựng, hoạt động và quản lý các mô hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, ban quản lý các di tích…tại các địa phương trong và ngoài huyện, cũng như các tỉnh bạn; đề xuất ý tưởng, kế hoạch, hướng đi trong việc phối kết hợp tổ chức, xây dựng các tour, tuyến du lịch tâm lịch giữa các địa phương để thu hút và đáp ứng nhu cầu tâm linh của du khách. Từ đó, phát huy lợi thế để phát triển du lịch tâm linh, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói riêng và tỉnh nói chung.

Tác giả bài viết: Thu Dịu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây