Để cụ thể hoá các nội dung để triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu Đề án số 01-ĐA/HU ngày 09/12/2020 của Huyện uỷ Bảo Yên về Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững huyện Bảo Yên, giai đoạn 2020 – 2025. Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tập trung phát triển vùng sản xuất Cam theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống Nhân dân. UBND huyện Bảo Yên đã ban hành Kế hoạch số 207 ngày 26/7/2024 về phát triển vùng sản xuất Cam trên địa bàn huyện, giai đoạn 2024 – 2025.
Mục tiêu, đến hết năm 2025, toàn huyện có 100 ha cây Cam, trong đó có 80 ha cam V2, 20 ha cam Đường canh
Mục tiêu, đến hết năm 2025, toàn huyện có 100 ha cây Cam (80 ha cam V2, 20 ha cam Đường canh); ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người dân. Giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 250 triệu đồng/năm; Tạo việc làm cho trên 300 lao động thường xuyên trên địa bàn huyện. Thành lập được các nhóm hộ/Tổ hợp tác sản xuất Cam tại các xã tham gia (Phúc Khánh, Lương Sơn, Việt Tiến) và xây dựng liên kết sản xuất ổn định giữa các Tổ hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Giai đoạn 2024 - 2025, phấn xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, làm tiền đề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa Cam Bảo Yên; xây dựng 01 điểm du lịch nông nghiệp (trải nghiệm hái quả, check in vườn cam); có tối thiểu 01 sản phẩm OCOP từ Cam nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị trong nước.
Để phấn đấu đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, huyện Bảo Yên sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ quản lý nhà nước các cấp, các doanh nghiệp và người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất; phát triển các vùng sản xuất Cam chủ động về thời vụ có liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác.
Mùa cam chín tại xã Phúc Khánh
Chuyển đổi khoảng 100 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang phát triển cây Cam (V2, đường canh). Tăng cường thực hiện tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Các xã Phúc Khánh, Lương Sơn, Việt Tiến tiến hành rà soát, thống kê hiện trạng toàn bộ diện tích đất trên địa bàn xã theo mục đích sử dụng đã được quy hoạch sản xuất Cam; tổng hợp những diện tích có tiềm năng, thuận lợi cho việc sản xuất để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
Tập trung chăm sóc và nâng cao chất lượng Cam bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến như: xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng giống có năng suất chất lượng cao, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cơ giới hóa trong khâu phòng trừ sâu bệnh hại (sử dụng thiết bị bán tự động, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật khi có dịch...). Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc theo dõi, kiểm tra chất lượng sản phẩm như: truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm qua nhật ký đồng ruộng điện tử, tưới nước tự động… Đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp huyện để thực hiện công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trồng cam.
Thành lập Hợp tác xã trồng cam làm cầu nối giữa các hộ nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hoạt động ổn định. Hỗ trợ tư vấn liên kết, tổ chức các Hội nghị, diễn đàn đối thoại giữa nhà nước với các doanh nghiệp và người dân. Thúc đẩy và gắn kết chặt chẽ liên kết “4 nhà”, “5 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng), mỗi nhà phải phát huy được vai trò của mình, có sự thống nhất và gắn kết chặt chẽ với nhau để phát huy được sức mạnh chung của cả chuỗi liên kết trong trồng Cam. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản. Xây dựng bản quy tắc ứng xử giữa các bên tham gia liên kết theo chuỗi giá trị trong đó cần quy định cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên tham gia để đảm bảo ổn định giá cả, thị trường, chống bán phá giá và gian lận thương mại.
Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với tỉnh, Trung ương để định hướng và phát triển sản xuất. Sử dụng nguồn vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia hàng năm để thực hiện hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án. Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp và đối ứng từ người dân để thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Tác giả bài viết: Trọng Điểm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn