Quang cảnh buổi sinh hoạt
Bà Nguyễn Thị Ngoan, Phó trưởng phòng GDĐT huyện phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt
Dự buổi sinh hoạt có Lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu, Tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên cốt cán các trường mầm non trên địa bàn huyện Bảo Yên.
Nội dung sinh hoạt gồm 2 phần: Dự giờ 2 tiết âm nhạc tiếp cận đa văn hoá tổ Mẫu giáo (4-5 tuổi); Thảo luận chuyên đề: Tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non theo tiếp cận đa văn hoá ở các cơ sở giáo dục mầm non.
Các em học sinh trình diễn tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc Tày
Ấn tượng tiết học âm nhạc tiếp cận đa văn hóa
2 tiết âm nhạc tiếp cận đa văn hoá tổ Mẫu giáo (4-5 tuổi) đã để lại ấn tượng sâu sắc tại buổi sinh hoạt. Với phương thức giáo dục âm nhạc theo hướng tiếp cận đa văn hóa giúp trẻ am hiểu về nhiều nền văn hoá. Thường giáo dục âm nhạc theo phương thức chỉ tập trung vào lối nhạc cụ hoặc một nền văn hóa. Nhưng ở 2 tiết học này, các cô giáo đã mở rộng phạm vi gồm nhiều loại âm nhạc truyền thống từ cộng đồng các dân tộc khác nhau như: Tày, Thái, Mông, Dao,… được truyền thu qua các trò chơi dân gian, trình diễn các tiết mục văn nghệ, tái hiện lễ hội xuống đồng của đồng bào Tày, mời nghệ nhân giao lưu, lan toả tình yêu âm nhạc dân gian, truyền thống …Từ đó, giúp trẻ hiểu rõ và yêu thích sự đa dạng văn hóa. Tạo điều kiện phát triển kỹ năng âm nhạc và sự đa năng trong việc tiếp cận và thể hiện âm nhạc.
Trải nghiệm nhảy sạp của cô và trò
Thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn huyện Bảo Yên cũng đã tích cực chủ động đổi mới giáo dục âm nhạc tiếp cận đa văn hoá. Cô giáo Lê Thị Hồng Ngọc – Trường MN số 2 Phúc Khánh khẳng định: giáo dục âm nhạc là phương tiện nâng cao khả năng trí tuệ, phát triển thể chất, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, củng cố kiến thức trẻ qua học tập, vui chơi. Quá trình trẻ tiếp xúc và hoạt động âm nhạc như học hát, nghe hát, vận động theo nhạc, chơi trò chơi âm nhạc... sẽ hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hoà, là sự phát triển về thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể lực.
Tại buổi sinh hoạt có rất nhiều ý kiến chia sẻ thảo luận sôi nổi về các nội dung của buổi sinh hoạt chuyên môn. Cán bộ, giáo viên đã được học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện các tiết dạy âm nhạc tiếp cận đa văn hoá và giáo dục cảm xúc cho trẻ trên tinh thần xây dựng, chọn lọc, để đi đến thống nhất vể quan điểm tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc theo hướng tiếp cận đa văn hóa ở các cơ sở giáo dục mầm non.
Đối với trẻ mầm non, âm nhạc là thế giới kì diệu đầy cảm xúc. Tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc theo tiếp cận đa văn hóa sẽ tạo điều kiện cho trẻ phát triển các chức năng tâm lí, năng lực hoạt động và sự hiểu biết. Giáo dục âm nhạc là giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mỹ cho trẻ. Giáo dục âm nhạc hình thành cho trẻ lòng yêu thiên nhiên, Tổ quốc, tình yêu thương con người… Thông qua việc tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên đề, nhằm bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp tổ chức hoạt động, từ đó giáo viên hiểu rõ tầm quan trọng trong việc dạy trẻ mầm non tiếp cận với đa văn hóa và tổ chức linh hoạt các hoạt động giáo dục, hình thành kiến thức, hiểu biết và gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng truyền thống của mỗi dân tộc Việt Nam cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Tác giả bài viết: Bích Quyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin cũ hơn