Quế bén duyên người
Từ trung tâm xã Tân Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lục Tiến Vinh đưa tôi xuôi theo con đường liên xã hướng về phố huyện tầm 2 cây số rồi lại quẹo trái theo con đường bê tông phẳng lì. Vừa đi anh Vinh vừa vui vẻ giới thiệu: “Đây là 1 trong những thôn có kinh tế phát triển của xã. Tỷ lệ hộ khá, giàu cao gần nhất xã. Đặc biệt người dân rất chủ động, mạnh dạn trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nên thu nhập trên một diện tích đất canh tác tăng đều qua nhiều năm…”. Chưa đến thôn, nhưng nhìn trùng điệp núi đồi với những cây quế, bồ đề “chảy tràn” cả ra đường, tôi không chút hoài nghi về lời của anh Phó Bí thư trẻ.
Người dân Nậm Ngòa ở men theo thế núi, nên cả thôn chia ra 5 chòm nhà. Mỗi chòm có 7 - 8 ngôi nhà sàn truyền thống nằm ẩn nấp bên những rừng cây cao vút. Chiếc xe đỗ xịch trước ngôi nhà sàn xinh đẹp. Từ trong nhà, một người đàn ông trung niên bước ra tay bắt mặt mừng. Đó là Bí thư Chi bộ thôn Đặng Văn Hồng.
Bên ấm trà nóng ngày đầu đông, ông Hồng kể cho chúng tôi bao điều về bản nhỏ. Trước đây, đường vào Tân Tiến xa xôi lắm, lại là xã cuối tuyến, nên các thôn, bản người Dao, người Mông ở Tân Tiến quanh năm chỉ sống thu mình trong “chiếc vỏ ốc” của 4 lũy tre làng, không học hỏi được các phương thức canh tác mới, cuộc sống tự cung, tự cấp muôn vàn khó khăn. Ông Hồng thở dài nhớ lại: Hai, ba chục năm trước, Nậm Ngòa rất khó khăn. Người dân vì điều kiện không được đến trường, hoặc chỉ học qua bậc tiểu học, nên trình độ dân trí, nhận thức hạn chế. Thêm vào đó, tập quán canh tác lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ chủ yếu là tự sản tự tiêu “chặt gốc ăn ngọn”, nên cuộc sống như một vòng luẩn quẩn gắn với đói nghèo.
Ông Hồng được coi là người “khá” nhất thôn bởi được đi học. Ông cũng là đảng viên đầu tiên của thôn, vào Đảng năm 1995. Với vai trò, trách nhiệm của một đảng viên, bí thư chi bộ (năm 2006 ông Hồng được bầu là Bí thư Chi bộ thôn Nậm Ngòa), hiểu được những khó khăn của thôn, gần 30 năm qua, điều ông Hồng mong muốn và luôn nỗ lực không ngừng đó là giúp gia đình, quê hương mình ngày càng phát triển.
Mong muốn vậy nên gần 30 năm trước, ông Hồng là một trong những người đầu tiên của thôn đưa cây quế trồng thí điểm trên đất đồi nhà mình, vừa để trồng cây gây rừng, vừa tìm hướng phát triển kinh tế. Ông Hồng nhớ lại: Ngày ấy, theo chương trình xóa đói, giảm nghèo của Ban Định canh định cư tỉnh, cả thôn có 18 hộ được phát quế giống trồng thử nghiệm. Vậy nhưng do ngàn đời gắn với cây trồng truyền thống là cây ngô, lúa, sắn, nên bà con “ngại” đổi thay, chỉ có vài ba hộ nhận giống.
Nói về câu chuyện nhận giống cũng quả là gian nan. Ông Hồng cùng 2 hộ khác phải đi bộ vừa đi vừa về 6 tiếng đồng hồ ra trung tâm xã Nghĩa Đô nhận cây giống. Bởi ngày ấy, đường vào xã Tân Tiến chỉ là đường mòn, xe ô tô chở cây giống không thể vào tận nơi phát cho dân. Đôi vai mỏi nhừ vì gánh quế cả ngày trời, vừa về đến đầu làng, người dân đã bàn ra, tán vào: “Cây đó cũng chỉ như cây rừng thôi, rồi cũng chỉ để làm củi không có giá trị…”. Tuy nhiên, đã được đi tập huấn, lại được đọc qua sách báo, ông Hồng sớm biết đây là loại cây đa dụng, không chỉ gây rừng, mà còn có thể bán vỏ, lấy gỗ, nên ông quyết tâm trồng bằng được, hy vọng bà con hiểu và làm theo. Theo niềm hy vọng, sự kiên trì của người đảng viên trẻ, chục năm sau, hơn trăm gốc quế được thu hoạch. “Ngày ấy, thương lái chưa thu mua nhiều, giá vỏ quế, gỗ quế cũng chưa được giá như bây giờ, nhưng tôi nhớ, bán cả vạt cây ấy được 20 triệu đồng”, ông Hồng kể lại mà mắt ăm ắp niềm vui của đôi chục năm trước.
Vui lắm chứ bởi từ kết quả đó, cùng với sự tuyên truyền, vận động của ông Hồng và những đảng viên khác trong chi bộ, bà con Nậm Ngòa dần hiểu và làm theo. Nhà nhà dọn bỏ đồi hoang hóa để trồng cây gây rừng, phát triển kinh tế, để đến giờ đất đồi Nậm Ngòa không còn một khoảng trống. 32 hộ trong thôn, hộ nào cũng có những cánh rừng xanh thẫm với quế và bồ đề, mới trồng cũng có, vài năm tuổi cũng có. Vạt rừng này nối tiếp vạt rừng kia, người dân thu lợi qua từng năm, cuộc sống dần khấm khá.
Làng có nhiều “triệu phú”
Đến Nậm Ngòa, điều khiến chúng tôi ấn tượng là sự phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Không chỉ có của ăn, bà con còn có của để. Hơn một nửa số hộ trong thôn hiện là “chủ nợ” của ngân hàng với số tiền gửi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Ông Bàn Văn Khoẳn là một trong những triệu phú của thôn. Nhà ông Khoẳn to nhất, nhì thôn với đầy đủ tiện nghi. Dưới gầm nhà sàn, ông còn để nguyên một khu làm ga ra cho chiếc xe ô tô 5 chỗ. Đó là của “nổi”, còn của “chìm”, ông cất tận nương xa, đó là 5 ha rừng trồng kín quế, bồ đề. Ông Khoẳn nhẩm tính: Năm ngoái, tôi bán một vạt rừng bồ đề được 200 triệu đồng, hiện còn một vạt nữa chưa thu trị giá khoảng 200 triệu đồng, cộng thêm đồi quế khoảng nửa tỷ đồng. Mỗi năm tiền thu từ nguồn tỉa cành, lá quế cũng được 40 đến 50 triệu đồng.
Là một trong những người trồng quế đầu tiên của thôn, năm này tích trữ một chút, năm kia tích trữ một chút, cuộc sống của gia đình ông Khoẳn dần khấm khá. Năm ngoái, ông còn để ra được gần 200 triệu đồng mua chiếc ô tô phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và làm dịch vụ taxi khi có người cần, đồng thời còn có 200 triệu đồng gửi ngân hàng. Tôi “mắt tròn, mắt dẹt” ngưỡng mộ, ông Khoẳn cười xòa: Cứ chịu khó làm việc thì đất đai sẽ không phụ mình nhà báo ạ. Tôi cũng như bà con luôn cố gắng làm lụng, đổi mới tư duy, tích cực phát huy lợi thế của địa phương trong sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào trồng quế, loại cây có giá trị kinh tế cao và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
Thi đua lao động sản xuất, người dân Nậm Ngòa ngày càng khấm khá, những “triệu phú” như ông Khoẳn ngày càng nhiều, có thể kể ra những “lá cờ đầu” trong phát triển kinh tế của bản người Dao như: Ông Trường Văn Êu có 6 ha quế, 4 ha bồ đề (từ năm ngoái đến năm nay, ông Êu bán được hơn 400 triệu đồng tiền quế, hiện ông có khoản tiết kiệm gửi ngân hàng lên đến 500 triệu đồng); ông Trương Văn Toàn từ trồng quế mua được ô tô tải chở hàng; ông Trương Văn Pắn hiện gửi ngân hàng 300 triệu đồng; ông Đặng Văn Hồng gửi ngân hàng hơn 100 triệu đồng… Số hộ khá, giàu tăng nhanh, số hộ thuộc diện nghèo ở Nậm Ngòa cũng giảm nhanh qua từng năm. Đến nay, cả thôn chỉ còn 2 hộ nghèo là hộ bà Đặng Thị Song và hộ ông Lý Văn Ngọc. Thấy có nhà báo qua chơi, bà Đặng Thị Song dẫn chúng tôi đi thăm đồi quế 1 vạn cây và đàn gia súc rồi khoe: Gia đình tôi và hộ ông Ngọc bàn nhau, từ giờ đến cuối năm sẽ viết đơn xin thoát nghèo.
Cùng với kinh tế, đời sống văn hóa, giáo dục của người dân thôn Nậm Ngòa cũng có nhiều khởi sắc. Không chỉ trẻ trong độ tuổi ra lớp luôn đạt 100%, mà thôn đã có học sinh thi đỗ và theo học tại các trường chuyên nghiệp; tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba đã không còn. Nhận thức của người dân vì thế cũng tiến bộ hơn. Cuộc sống đã và đang từng ngày đổi thay, phát triển trên mảnh đất khó Nậm Ngòa.
Nguồn tin: https://baoyen.laocai.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn