Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 9 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Bảo Yên có đồng chí Nguyễn Văn Nhất – UV BTV Huyện uỷ, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Yên; lãnh đạo các đơn vị liên quan, các xã; đại diện Hội Nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn.
Quang cảnh điểm cầu huyện Bảo Yên
Tại hội nghị, đã có 18 ý kiến mà Hội Nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các địa phương quan tâm như: Vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; quảng bá, liên kết tiêu thụ nông sản; những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai; thủ tục hành chính; vốn vay ưu đãi; quản lý việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc nông sản; các chính sách về tập huấn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động…
Bà Nguyễn Thị Thuỳ - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Yên đề xuất kiến nghị: Để thực hiện được mục tiêu hàng năm: Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 3.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho 800 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên. Hiện nay chưa có cơ chế tổ chức bồi dưỡng nghề cho nông dân, đề nghị Sở NN&PTNT, Sở LĐTB&XH tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế bồi dưỡng nghề cho nông dân. Để hỗ trợ nông dân nâng cao tay nghề trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hoá, thời gian tập huấn từ 5-10 ngày.
Bà Nguyễn Thị Thùy - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện nêu ý kiến đề xuất
Anh Đặng Văn Trung – HTX Cầu Mây, Bảo Yên đặt câu hỏi: Hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hoá của địa phương mong muốn được tiếp cận thị trường các nước trên thế giới (quế, chuối, dâu tằm...) tuy nhiên, đối với mỗi sảm phẩm có các tiêu chuẩn áp dụng khác nhau. Đề nghị tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tiêu chuẩn áp dụng, cách thức tiếp cận đối với một số ngành hàng giúp sản phẩm sau chế biến tiếp cận được nhiều thị trường trên thế giới.
Các ý kiến của các đại biểu đã được đại diện các sở, ngành giải đáp và làm rõ tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị là diễn đàn để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân phản ánh những khó khăn, vướng mắc nên cần thiết lập, duy trì kênh thông tin này một cách thường xuyên, liên tục để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Khẳng định nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh, đồng chí Trịnh Xuân Trường đề nghị trên cơ sở tiếp thu những ý kiến tại hội nghị, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết khó khăn, nhất là về thể chế trong lĩnh vực đất đai, thủ tục hành chính, thu hút đầu tư; đề xuất cơ chế thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; tăng cường tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân, giúp nông dân nâng cao chất lượng nông sản, hướng tới mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa xanh, vì môi trường và cộng đồng. Đồng thời, tận dụng những lợi thế về thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh có sự trao đổi thường xuyên với Trung ương Hội Nông dân và Hội Nông dân các địa phương trên cả nước, đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để đề xuất tỉnh kịp thời tháo gỡ, ban hành những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển.
Tác giả bài viết: Bích Quyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn