Trung tâm VH, TT - TT Bảo Yên
Chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc Khánh 2-9

Trận Phố Ràng - Bước phát triển về khả năng tác chiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Thứ hai - 17/06/2024 04:24
Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng xác định quân và dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Đánh lâu dài nhằm để chuyển hóa lực lượng, thế trận, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, từng bước củng cố tiềm lực để đi đến giành thắng lợi ở những trận đánh có tính quyết định theo phương châm “tích cực tiến công, giải quyết mau từng trận”.

Tuy nhiên, trong thế và lực của ta còn yếu hơn địch, muốn tích cực tiến công tiêu diệt địch, phải “năng dùng du kích chiến và vận động chiến”, phải từ du kích chiến tiến lên vận động chiến, từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy tạo nên thế trận vững chắc để giành thắng lợi.

Thực hiện chủ trương của Đảng, từ sau chiến dịch Việt Bắc - Thu đông 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã bước vào thời kỳ “sức ta ngang bằng sức địch”, Bộ Tổng tư lệnh chủ trương đẩy mạnh tiến lên vận động chiến bằng mở hàng loạt các chiến dịch tiến công quy mô từ 2 đến 4 tiểu đoàn, chủ yếu do Bộ Tư lệnh các Liên khu tổ chức. Đây cũng là bước phát triển phù hợp với thực tiễn của chiến trường, khi địch chuyển hướng chiến lược áp dụng phổ biến chiến thuật đóng đồn bốt, càn quét vùng tạm chiếm và hành quân đánh phá, lấn chiếm vùng tự do. Tình hình đó đặt ra cho quân và dân ta phải đẩy mạnh vận động chiến đấu, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá âm mưu bình định cùng các thủ đoạn tác chiến của chúng, ngăn không cho địch mở rộng chiếm đóng, bảo vệ căn cứ hậu phương, giải phóng một bộ phận đất đai, tiến tới thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch, củng cố mở rộng hậu phương kháng chiến.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ chỉ huy Liên khu 10 chủ trương mở chiến dịch Sông Thao nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch, làm tan vỡ khối ngụy binh Thái, phá vỡ phòng tuyến của địch ở Nghĩa Đô - Bảo Hà - Yên Bình Xã, cô lập quân địch ở tiểu khu Lào Cai; mở rộng, phá thế uy hiếp của địch đối với căn cứ địa Tây Bắc và củng cố bàn đạp nối với vùng Thượng Lào. Phương châm tác chiến của chiến dịch là: mở màn tiêu diệt một đến hai cứ điểm, sau đó đánh quân địch tiếp viện, ứng cứu; kết hợp tiến công các cứ điểm địch với phát động nhân dân nổi dậy làm công tác tuyên truyền địch vận, phá tề, phá kinh tế của địch. Lực lượng tham gia gồm 5 tiểu đoàn bộ binh (11, 54, 79, 630 và 564); 2 đại đội pháo binh 302, 303 (Tiểu đoàn 410), có 2 khẩu phóng bom, 5 đại đội độc lập thuộc Trung đoàn 115. Ngoài ra, ở vùng địch hậu còn có các lực lượng của Trung đoàn 115 (khu vực Yên Bái), Trung đoàn 165 (khu vực Lao Hà), Trung đoàn 148 (khu vực Sơn La - Lai Châu). So với trước, đây là chiến dịch có sự phát triển về lực lượng.

 
anh tin bai

Viện lịch sử quân đội trao tặng Sơ đồ tấn công Đồn Phố Ràng (Bản gốc)

Tuyến phòng ngự Sông Thao của địch thiết lập từ Thu Đông năm 1947, kéo dài hàng trăm km từ Lào Cai qua Yên Bình Xã, Đại Bục, Đại Phác xuống đến Thu Cúc, Hòa Bình. Đây là một điển hình phòng thủ bằng hệ thống cứ điểm nhỏ, kết hợp với lực lượng cơ động ứng chiến nhỏ. Kể từ năm 1949, dù bắt đầu lâm vào tình trạng đối phó lúng túng với những hoạt động của ta, nhưng thực dân Pháp vẫn ra sức củng cố chiếm đóng một vùng quan trọng về chiến lược để phong tỏa biên giới Việt - Trung, ngăn chặn, cô lập Tây Bắc.

Trong ngày mở đầu (19/5/1948), lực lượng ta đã tiến công tiêu diệt 2 đồn Đại Bục và Đại Phác là cơ sở quan trọng để Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tiến công tiêu diệt cứ điểm Phố Ràng - coi đây là trận then chốt của đợt 2 chiến dịch, nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Thao theo hướng Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô. Nhiệm vụ được giao cho Tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông) được phối thuộc hai đại đội bộ binh, một đại đội trợ chiến thuộc Tiểu đoàn 79, hai đại đội pháo binh (200 và 350), một trung đội du kích đảm nhiệm.

Để tạo điều kiện cho hướng tiến công chủ yếu chiến dịch và trận đánh then chốt của đợt hai, ngay từ khi chuẩn bị kết thúc đợt 1, đặc biệt từ khi có quyết tâm tiến công trận then chốt vào Phố Ràng, Bộ Tư lệnh chiến dịch tăng cường các hoạt động nghi binh như: Tiểu đoàn 630 tiến công Tú Lệ, Làng Ken (Sơn La); các tiểu đoàn 696 và 540 tiến công Trại Vải (Phú Thọ); phát động đấu tranh vũ trang thu hút địch ở Mường Còi, Tương Phà, Thuận Châu. Đồng thời, để phân tán sự đối phó của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 564 và một đại đội pháo binh tiến công vào vị trí quân địch ở làng Mạ. Đây là bước hoạt động nghi binh lớn nhất từ trước tới nay, là yếu tố đảm bảo thành công của trận đánh.

Trong kế hoạch tiến công địch ở Phố Ràng, Tiểu đoàn 11 tổ chức đội hình thành các bộ phận: Lực lượng xung kích, hình thành 5 bộ phận, lấy đơn vị cấp đại đội bộ binh làm cơ sở, mỗi đại đội được tăng cường một số khẩu đội hỏa lực đảm nhiệm tiến công đột phá trên từng hướng khác nhau. Trên từng hướng lại phân chia ra từng tổ làm nhiệm vụ đánh địch cảnh giới ngăn chặn vòng ngoài, bao vây, đón lõng, mở cửa, nghi binh, đột kích... Lực lượng pháo binh, triển khai, bố trí hình thành trận địa bắn, chế áp vào các lô cốt, vị trí chỉ huy, thông tin chi viện chung cho các hướng đột phá, xung phong. Lực lượng công binh, tăng cường một phần cho các hướng để phá hàng rào mở cửa, còn lại làm dự bị của tiểu đoàn. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng đi cùng Đại đội 120, đồng chí Tiểu đoàn phó đi cùng bộ phận hỏa lực để trực tiếp chỉ huy, xử trí các tình huống trong quá trình chiến đấu.

Theo hiệp đồng, thời gian nổ súng tiến công vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 24/6/1949, nhưng trong quá trình triển khai chiếm lĩnh trận địa bị lộ nên Chỉ huy Tiểu đoàn 11 phải ra lệnh nổ súng tiến công sớm hơn 45 phút so với kế hoạch. Do nổ súng trước thời gian quy định, bộ binh ta phải xung phong trong điều kiện hỏa lực cấp trên chưa kịp bắn chi viện nên bị hỏa lực địch ngăn chặn, sát thương. Trước tình hình trên, chỉ huy trận đánh nhận thấy nếu tiếp tục tiến công sẽ không giành được thắng lợi mà thương vong sẽ cao hơn nên ra lệnh cho các hướng tạm dừng lại để điều chỉnh đội hình bổ sung hiệp đồng, chuyển từ xung phong tiến công ồ ạt sang đột phá, đánh chiếm từng mục tiêu, đánh đến đâu củng cố giữ chắc đến đó. Đây là bước phát triển về chỉ huy, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tế chiến đấu. Trong những tình huống chiến đấu gay go liên tục, khi trận đánh kéo dài, thương vong nhiều, tình hình diễn biến khẩn trương, phức tạp thì những quyết đoán của lãnh đạo và chỉ huy có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định thắng lợi.

Đến 3 giờ 30 phút ngày 25/6/1949, sau khi được pháo binh, súng cối của cấp trên bắn chi viện, Tiểu đoàn 11 tiếp tục tiến công lần thứ hai. Các hướng mũi đều tổ chức lực lượng xung phong đột phá liên tục nhiều đợt, đánh chiếm từng mục tiêu, đẩy địch dần co cụm cố thủ. Chỉ sau 3 giờ nổ súng tiến công lần thứ hai, ta đã đánh chiếm được hai phần ba đồn Phố Ràng. Mặc dù lực lượng của ta cũng đã bị tổn thất, nhưng nhận thấy thời cơ lúc này quân địch còn lại cố thủ ở đồn Phố Ràng đang hoang mang, nếu dừng lại địch sẽ có điều kiện tổ chức củng cố lại lực lượng phản kích, chỉ huy trận đánh hạ quyết tâm nhanh chóng tập trung toàn bộ hỏa lực và sử dụng lực lượng dự bị vào tăng cường trên hướng chủ yếu, sử dụng một bộ phận tiến công nghi binh trên hướng Bắc, tiếp tục tiến công lần thứ ba.

Vào 18 giờ 25 phút, ngày 25/6/1949, lợi dụng trời vừa tối, thời điểm quân địch ít đề phòng hơn, quân ta bất ngờ tiến công chính diện kết hợp với các mũi vu hồi đồng loạt xung phong đánh vào các ổ đề kháng của địch. Quân địch ngoan cố chống cự. Quân ta và quân địch xen kẽ nhau tranh chấp từng ụ súng, đoạn giao thông hào, trận đánh kéo dài suốt đêm. Đến 5 giờ 20 phút ngày 26, quân ta tiêu diệt hoàn toàn quân địch, bắt nhiều tù binh, thu 130 súng các loại và 8 tấn đạn dược. Bước phát triển tiến công để đi đến giành thắng lợi của trận đánh đã thể hiện khả năng nắm bắt tình hình, chớp thời cơ trong công tác chỉ huy.

anh tin bai

Chiến thắng Phố Ràng đã đánh dấu bước trưởng thành, tiến bộ về khả năng tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau 40 tiếng chiến đấu liên tục (2 đêm 1 ngày), với 11 lần xung phong đột phá, lực lượng tham gia tiến công cứ điểm Phố Ràng đã giành được thắng lợi. Thời gian và cường độ của trận đánh đã phản ánh tính kiên quyết và mức độ ác liệt của một trận then chốt trong quá trình phát triển của chiến dịch Sông Thao. Đây là trận tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, bộ đội ta phải đột phá, chiến đấu liên tục trong suốt trận đánh với thời gian kéo dài nhất từ trước đến thời điểm diễn ra trận đánh, lập nên một điển hình về tiêu diệt sinh lực địch, tinh thần dũng cảm, chủ động sáng tạo, kiên quyết tấn công diệt địch giành thắng lợi. Là kết quả của sự đúc rút kinh nghiệm về xác định mục tiêu, xây dựng quyết tâm, lựa chọn cách đánh, kinh nghiệm làm công tác chuẩn bị, tổ chức thông tin liên lạc, sử dụng công binh từ các trận đánh trước đó.

Chiến thắng Phố Ràng đã đánh dấu bước trưởng thành, tiến bộ về khả năng tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên trong một chiến dịch ta đã tiêu diệt một tiểu khu của địch, gồm nhiều vị trí lớn, nhỏ có công sự phòng ngự tương đối vững chắc, đồng thời đánh dấu bước tiến bộ, trưởng thành tấn công địch trong công sự vững chắc trên địa hình rừng núi, hiểm trở, đánh liên tục cả ban ngày khẳng định được khả năng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam trên con đường tiến lên vận động chiến. Để lại kinh nghiệm hết sức sâu sắc. Đó là: Để thực hiện thành công một trận đánh then chốt vào mục tiêu quân địch phòng ngự kiên cố, trong giai đoạn chuẩn bị, chiến dịch phải thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo, phải có kế hoạch sử dụng lực lượng duy trì sức chiến đấu liên tục trong tình huống gặp khó khăn, trận đánh phải kéo dài; công tác chính trị cần giáo dục, chuẩn bị tự tưởng cho bộ đội có quyết tâm chịu đựng gian khổ ác liệt cao; huấn luyện cho bộ đội nắm chắc kỹ thuật, chiến thuật, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu tiến công chính diện kết hợp với vu hồi, thọc sâu, liên tục đột phá tạo ra thế có lợi trong từng thời điểm, từng hướng để đánh bại quân địch có trang bị mạnh, có công sự vững chắc.

Tác giả bài viết: Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây